Về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324), trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, hiện có 02 phương án:
Phương án 1: Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội rửa tiền và Tội tài trợ khủng bố.
Phương án 2: Không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội trên.
Vấn đề này, vẫn có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền. Vì: Theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì một số công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết phải hình sự hóa hành vi phạm tội rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với pháp nhân thương mại.
Quan điểm thứ hai cho rằng, không nên mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội trên. Vì đây trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới, có liên quan đến chính sách hình sự, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Vì vậy, hiện tại chỉ quy định đối với 31 tội danh là hợp lý.
Tại cuộc họp, qua trao đổi, thảo luận, Uỷ ban kiểm sát VKSND tối cao thống nhất quan điểm chưa mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền. Bởi vì:
– Nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền, thì vẫn xử lý được 2 tội phạm này; do vậy, không ảnh hưởng quá nhiều đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
– Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là hoàn toàn mới đối với Việt Nam, chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội phạm đã được quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015; việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trên thực tế…
Kỳ Sơn
Theo Kiemsat.vn