Căn cứ theo đó, việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ra khỏi Chương trình kỳ họp Quốc hội lần thứ 3 (tháng 5/2017) nhằm mục đích tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo hướng sửa đổi toàn diện Bộ Luật Lao động.
Đồng thời, nội dung công văn nêu rõ việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án khẩn trương nghiên cứu, khi có đủ điều kiện thì chuẩn bị hồ sơ đề nghị bổ sung dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vào Chương trình theo quy định tại Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Cũng trong Công văn trên, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị hồ sơ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp phải được chuẩn bị theo đúng quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp thứ 9 (dự kiến từ ngày 17/4). Hồ sơ dự án phải được gửi tới Uỷ ban hữu quan của Quốc hội để tổ chức thẩm tra trước ngày 3/4/2017.
Trước đó, Chỉnh phủ đã có Tờ trình Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2107, trong đó Chính phủ đề nghị bổ sung 3 dự án và điều chỉnh thời hạn trình 2 dự án tại kỳ hợp lần thứ 3 (tháng 5/2017).
Bộ Luật Lao động dự kiến được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực trong xã hội. Dự thảo sửa đổi lần 1 đã được công khai và lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp xã hội. Nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận, như: Điều chỉnh thời gian làm thêm, điều chỉnh tuổi hưu, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, thanh tra lao động…Dự kiến, đầu tháng 4, dự thảo lần 2 sẽ được công khai để tiếp tục lấy ý kiến dư luận. |
Hoàng Mạnh
Theo Dân trí