Trước khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga – đại diện cho cơ quan thẩm tra luật cho biết, đầu tháng 3/2016, Tổng thư ký Quốc hội đã có công văn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện dự án luật và gửi lại chậm nhất ngày 25/3.
Nhưng, đến nay vẫn còn 4 uỷ ban và 33 đoàn đại biểu Quốc hội chưa có hồi âm. Đáng chú ý là trong 68 thành viên của tổ công tác liên ngành có 43 người chưa gửi lại góp ý. Nghịch lý là tại nhiều cuộc họp, hội nghị về sửa bộ luật này, có những ý kiến rất gay gắt vì Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều sai sót, vừa ban hành đã phải sửa nhưng khi được đề nghị góp ý bằng văn bản, có ký vào từng trang của dự thảo, những người từng lên tiếng lại không thể hiện quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm về việc xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng như quan điểm xử lý hình sự với trẻ em phạm tội.
Thảo luận vào những nội dung cụ thể trong dự luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề cập chuyện báo chí ngày 2/4 đã đồng loạt đưa tin cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã bắt cả ông nội và bố đẻ xâm hại tình dục đối với con đẻ và cháu ruột của mình mới chỉ 11 tuổi.
"Đây là điều trái thuần phong mỹ tục, đây là hiện tượng loạn luân không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng, cần có biện pháp mạnh, gần đây đã có ý kiến đưa vấn đề “thiến sinh học” vào, đề nghị nghiên cứu kỹ hình phạt này, nếu đủ sức răn đe thì nên nghiên cứu để thực hiện"- ông Nhưỡng kiến nghị.
Trước đó, thông tin từ lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Long, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thanh T. (36 tuổi) và Phan Thanh S. (62 tuổi, cùng ngụ xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) để điều tra về hành vi hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân là bé gái P.T.L.Đ. (11 tuổi), là con của T. và là cháu nội của S.
Theo điều tra ban đầu, bé Đ. từng bị cưỡng bức nhiều lần nhưng không dám nói ra. Vào ngày 29-3, bé Đ. kể cho bà ngoại mình là bà Nguyễn Thị M. nghe chuyện Đ. bị T. và S. xâm hại tình dục nhiều lần. Tức giận, bà M. liền dẫn cháu Đ. đến trình báo công an. Sau đó, bà M. dẫn Đ. đến bệnh viện (đi cùng lực lượng công an) để làm thủ tục giám định.
Khi công an mời lên làm việc, cả T. và ông S. đều thừa nhận hành vi cưỡng bức cháu Đ.
Vụ việc này cùng một loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em nổ ra liên tiếp gần đây khiến dư luận bức xúc, đặt nhiều câu hỏi về việc “bùng nổ” loại tội phạm rất nghiêm trọng này.
Nói thêm về quy định xử lý hình sự với trẻ em, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu cảm nhận, dự thảo luật đang có sự nhầm lẫn giữa xử lý hình sự và giảm nhẹ hình phạt.
Ông Nhưỡng phân tích, trong báo cáo về cải cách tư pháp trình Bộ Chính trị, trong quan điểm cải cách tư pháp cũng không nói rõ chỉ xử lý trẻ em từ 14 đến dưới 16 tuổi với những tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Về lý luận, ở lứa tuổi này nhận thức non nớt, trải nghiệm chưa nhiều, có nhiều em do hoàn ảnh gia đình xô đẩy mà phạm tội.
Ông Nhưỡng cho rằng, định hướng quan điểm như vậy là đi ngược lại Điều 91 là nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý hình sự. Cụ thể, Điều 91 quy định việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Như vậy, định hướng dựa theo nhận thức về cấp độ tội phạm, chỉ xử lý ở 2 “tầng” cao nhất của cấp độ tội phạm, 2 “tầng” dưới bỏ qua. Theo ông Nhưỡng, đáng ra phải xác định, ở những hành vi phạm tội không quá nghiêm trọng thì có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt chứ không thể không xử lý vì nếu không, như vậy có nghĩa là “dung túng cho các con trẻ”, trái cả về nguyên lý, lý luận và thực tiễn.
Cũng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng phương án 2 thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung là giữ như cách thể hiện trong Bộ luật Hình sự hiện tại tức là mở rộng thêm 3 loại tội danh mà người phạm tội dù ở tuổi vị thành niên vẫn phải chịu trách nhiệm. Lập luận đưa ra là hiện nay tội phạm trẻ hóa, tính chất phức tạp, phi nhân tính, nên phải răn đe.
Ngược lại, hướng lý giải khác lại cho rằng, ở độ tuổi vị thành niên, nhận thức của các em “chưa đến”, cần xem xét. Ông Phương bày tỏ sự không đồng tình với hướng phân tích này.
“Những em mà cố ý gây thương tích, hiếp dâm mà tình trạng hiếp dâm vừa qua nổi lên thì không thể là trẻ em bình thường nữa mà trẻ em cá biệt, phải xử lý”- ông Phương kiến nghị.
Vị đại biểu của Quảng Bình cho rằng, nếu đưa ra lý luận vì những lợi ích lớn nhất của trẻ em thì phải xét trên bình diện là lợi ích của toàn bộ trẻ em hay vì một vài trẻ em. Nếu pháp luật xử nghiêm thì chính là tạo môi trường tốt cho trẻ em được hưởng những lợi ích tốt nhất. Còn một vài trẻ em gây loạn xã hội mà nói khoan dung vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em thì việc nhân đạo cho một số cá nhân lại làm ảnh hưởng tới hàng trăm, hàng nghìn trẻ em khác cũng như những người khác trong xã hội.
P.Thảo
Theo Dân trí