Rất kỳ vọng vào chính sách cải cách thuế TNDN theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế mong muốn Bộ Tài chính sửa đổi ngay những bất hợp lý liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có quy định xác định chi phí hợp lý, hợp lệ trong Nghị định 124/2008/NĐ-CP.
TS.
Nguyễn Thị Liên (Học viện Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành,
trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn, doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác mua ô tô du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống có giá trị trên 1,6 tỷ đồng đều không được trích khấu
hao tài sản cố định để trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế.
Điều này không phù hợp với giá cả thực tế trên thị trường ô tô và việc tăng thuế lệ phí trước bạ đối với ô tô của Bộ Tài chính, đồng thời cũng dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để giảm nghĩa vụ thuế.
“Căn cứ để xác định mục đích sử dụng ô tô, máy bay, du thuyền là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vì thế, để được tính phần giá trị ô tô vượt trên 1,6 tỷ đồng vào tài sản cố định, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký là kinh doanh tổng hợp thì cơ quan thuế chịu không thể bắt bẻ được”, bà Liên dẫn chứng.
Trước thực tế ngày càng nhiều chủ doanh nghiệp “chơi sang”, mua xe hơi trị giá hàng chục tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, cần khống chế giá trị xe ô tô du lịch tối đa được tính vào khấu hao tài sản cố định, nhưng cần xem xét để mở rộng mức khống chế lên 2-3 tỷ đồng cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Khống chế giá trị xe được tính khấu hao 1,6 tỷ đồng chỉ phù hợp với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc có vốn góp trên 51%, còn đối với loại hình doanh nghiệp khác cần phải nới rộng hơn và cũng không nên cứng nhắc, có thể điều chỉnh tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, vì đây thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính”, bà Cúc phát biểu.
Mức
khống chế quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, lễ tân, khánh tiết… không vượt quá 10% chi phí hợp lý, hợp lệ (doanh nghiệp mới thành lập, trong 3
năm đầu tiên bị khống chế ở mức 15%) được cộng đồng doanh nghiệp cho rằng không phù hợp, không có cơ sở khoa học và cần phải nới rộng.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ vì cơ chế này “phản tác dụng trong nền kinh tế thị trường”.
“Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại, mở rộng đầu tư, vì vậy, chi phí này phải được khấu trừ toàn bộ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”, TS. Vương Thị Thu Hiền (Học viện Tài chính) đề xuất.
Viễn thông và ngân hàng là 2 ngành thực hiện quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi nhiều nhất trong nền kinh tế, vì vậy, đại diện cả 2 ngành này đều bày tỏ sự bức xúc khi Bộ Tài chính vẫn muốn bảo lưu quan điểm tiếp tục duy trì mức khống chế như cũ.
Phó
tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), ông Trương Thanh Đức cho rằng, nếu sợ doanh nghiệp lợi dụng chi phí quảng cáo để trốn thuế thì không có cơ sở, vì các chính sách thuế có tính chất liên hoàn với nhau.
“Doanh nghiệp thương mại, sản xuất, tài chính, ngân hàng…
tăng chi phí cho quảng cáo sẽ giảm thu nhập chịu thuế, nhưng các cơ quan nhận quảng cáo lại tăng thu nhập chịu thuế, vì thế, ngân sách nhà nước cũng chẳng mất gì.
Tốt nhất là nên bỏ chính sách khống chế, miễn là doanh nghiệp phải có đủ hoá đơn, chứng từ hợp lệ”, ông Đức phát biểu.