Bảo trì đường bộ trên QL1, đoạn qua tỉnh Hà Nam - Ảnh: Tạ Tôn
Còn vướng trong quy định phân bổ kinh phí
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư cho biết, tính đến hết ngày 31/3, chủ phương tiện nộp phí qua 149 trạm đăng kiểm trên cả nước đạt hơn 1.634 tỷ đồng/6.150 tỷ đồng kế hoạch, đạt hơn 120% so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 26% kế hoạch thu cả năm 2017. “Việc thu nộp phí sử dụng đường bộ đối với ôtô qua các trạm đăng kiểm được thực hiện đúng quy định. Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư đã kiểm soát được nguồn thu, đảm bảo công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, không bị thất thoát và không bị sử dụng sai mục đích,” ông Minh cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Minh, tính đến ngày 31/3, trên cơ sở dự toán giao năm 2017, Bộ Tài chính đã cấp về tài khoản của quỹ là 1.807 tỷ đồng, quỹ tiến hành chuyển kinh phí về các đơn vị sử dụng. Trong đó, chi nguồn Quỹ T.Ư là trên 1.900 tỷ đồng, trong khi nguồn chi 35% cho địa phương chưa thực hiện được.
Lý giải điều này, ông Minh cho biết, khi xây dựng phương án phân bổ 35%, văn phòng quỹ xây dựng theo hướng: Trong 100% của nguồn 35%, phân bổ 85% cho địa phương và giữ lại dự phòng 15%, nhưng hiện nay đang phải chờ thay thế Thông tư liên tịch số 230. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng ý giữ lại và yêu cầu phân bổ 100%.
Giải thích rõ hơn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo quyết định của Thủ tướng, hoạt động của Hội đồng quỹ chưa thay đổi khi chưa tổng kết. Điều này có nghĩa, tỷ lệ 35% được phân phối từ Hội đồng quỹ chứ không phải từ Bộ Tài chính. Tiền được chuyển về ngân sách nhưng hoạt động của Hội đồng quỹ chưa thay đổi kể cả T.Ư và địa phương.
“Nguồn thu của Quỹ T.Ư không có thay đổi, còn nguồn địa phương Bộ Tài chính muốn hòa vào ngân sách các tỉnh. Vì kế hoạch bảo trì năm nay đã được thực hiện từ năm ngoái nên việc phân bổ về địa phương vẫn được chuyển từ quỹ. Tuy nhiên, điều này chưa được sự đồng tình của Bộ Tài chính”, Thứ trưởng Trường nói.
Thứ trưởng Trường cho biết thêm, hiện công tác chất lượng đường bộ sau bảo trì chưa đánh giá được, nhiều nhà thầu khi đấu thầu hồ sơ dự thầu rất đẹp nhưng năng lực thực tế chưa chắc đã đẹp như trong hồ sơ. “Có hiện tượng địa phương còn lấy kinh phí bảo trì được phân bổ dùng cho việc khác chứ không dùng cho công tác bảo trì đường bộ”, Thứ trưởng Trường cho biết.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp
Ưu tiên đầu tư cho ATGT
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách, từ 1/1/2017 không quy định ngân sách chuyển qua cấp trung gian để chuyển cho địa phương. Trước đây làm được là do nguồn thu qua đăng kiểm nộp vào quỹ và quỹ chuyển cho địa phương. Ngân sách chuyển thẳng cho địa phương nhưng phải theo đề xuất của Hội đồng quỹ.
“Theo đó, chỉ thay đổi về phương thức quản lý dòng tiền còn các phương thức đề xuất quản lý chi tiền, giải ngân Bộ Tài chính thống nhất quan điểm không vì thay đổi Luật Ngân sách mà ảnh hưởng đến quy trình quản lý quỹ. Trước đây, năm 2017 sẽ thực hiện đúng như Thông tư 230, chỉ khác phương thức chuyển tiền”, ông Giang nói.
Sau khi nghe các ý kiến phân tích, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc phân chia 65% hay 35% đã tương đối rõ ràng. Hiện, chỉ còn vướng là tỷ lệ % giữ lại. Tỉ lệ giữ lại chưa thống nhất, phải giải quyết tối thiểu cấp 85% cho địa phương. “Văn phòng Quỹ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính cần khẩn trương thực hiện, không để nguồn kinh phí bảo trì đường bộ bị chậm”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về xử lý vượt thu, theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, hiện ngân sách vẫn đang phải bù cho quỹ bảo trì, vì vậy, việc vượt thu ưu tiên dành cho quỹ bảo trì nhưng phải ưu tiên đầu tư cho hệ thống ATGT, trong đó, cần đặc biệt chia sẻ với ATGT đường sắt, nếu chỉ dùng ngân sách của đường sắt không làm nổi. Trong khi các đường ngang đường bộ mới là nguyên nhân chính gây TNGT đường sắt. Tuy là hai nguồn vốn khác nhau nhưng hệ lụy giống nhau, hệ lụy TNGT đường sắt thời gian qua là do đường ngang đường bộ gây ra nên đường sắt có nhiều TNGT.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: Cần đánh giá hiệu quả xóa điểm đen TNGT Một trong nhiệm vụ quan trọng của bảo trì đường bộ là đảm bảo ATGT, vì vậy bên cạnh việc kiểm tra chất lượng vật liệu cần đặc biệt kiểm tra thiết kế về ATGT. Hiện, trong báo cáo của Trung ương và địa phương đều có khắc phục điểm đen TNGT nhưng cần phải có báo cáo đánh giá, điểm đen khắc phục năm trước thì năm sau có xảy ra TNGT nữa hay không. Tổng cục Đường bộ VN cần đánh giá các yếu tố nguyên nhân TNGT, yếu tố nào liên quan đến hạ tầng, chỉ cần một biển báo không đúng, phản quang không đầy đủ, biển báo bị cây che khuất cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Kiểm tra đột xuất 900 dự án bảo trì
Công tác chất lượng bảo trì được tổng cục kiểm tra rất chặt chẽ với gần 900 dự án được kiểm tra theo hình thức đột xuất không báo trước. Điển hình như Công ty 842 quản lý tuyến N2 tại Vĩnh Long đã bị tổng cục chấm dứt hợp đồng bảo trì trước thời hạn do không đảm bảo chất lượng bảo trì, hay như nhà thầu bảo trì tuyến QL4 tỉnh Bắc Kạn, tổng cục đã cấm tư vấn giám sát 2 năm, cấm nhà thầu bảo trì 1 năm. Quan điểm của tổng cục là nếu không giám sát chặt chẽ, đồng tiền bảo trì sẽ không hiệu quả. Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính: Đề xuất tăng chi cho quỹ
Bộ Tài chính giao thu quỹ năm nay trên 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Văn phòng quỹ, số thu năm nay khả năng sẽ đạt và vượt cao với khoảng 9.000 tỷ đồng. Nguyên nhân do năm nay lượng phương tiện cơ giới tăng trưởng cao đạt xấp xỉ 70.000 chiếc, tăng 2,7% so với thời điểm 31/12/2016. Vì vậy, đến giữa năm chúng ta có thể đánh giá số thu và đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thu và tăng chi cho quỹ. |
Trần Duy (Ghi)
Theo Báo Giao thông