Hàng quán, xe máy ngổn ngang trên đường Pasteur (Q.1) vào chiều 24.5 - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Không công bằng
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết TP có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên với tổng chiều dài 1.716 km (chiếm 42,41%) để xem xét cho phép đậu xe dưới lòng đường. Về vỉa hè, trong tổng số 4.869 tuyến đường của TP, thì 2.271 tuyến đường có vỉa hè được kẻ vạch phân định không gian được phép để xe, buôn bán..., nhưng cũng có đến 2.598 tuyến đường không có vỉa hè dẫn đến nạn lấn chiếm, đỗ xe không đúng quy định xảy ra thường xuyên.
“Trong 5 tháng vừa qua, nhiều phường chủ động thực hiện tháo các trụ sở khu phố, nhà vệ sinh công cộng lấn chiếm để nêu gương, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiều hộ dân tự giác tháo dỡ mái che, các bậc dẫn xe, bậc tam cấp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, tạo thông thoáng cho người đi bộ”, ông Tường nói, đồng thời nhấn mạnh tình trạng tiêu cực, không công bằng trong việc chấn chỉnh lại trật tự đô thị: “Có chỗ dẹp, nhưng có chỗ cứ để vi phạm ngang nhiên. Chính vì vậy, dư luận bức xúc vì cho rằng có tình trạng bao che, bảo kê, tiêu cực”.
Về xử lý vi phạm, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cho biết trong 5 tháng đầu năm 2017, Thanh tra sở phối hợp lực lượng CSGT, công an quận, huyện kiểm tra, xử lý 1.132 trường hợp dừng đỗ xe không đúng quy định, hoạt động bến bãi trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông và vệ sinh, mỹ quan đô thị... với số tiền xử phạt hơn 1,3 tỉ đồng.
Cuối năm 2017 sẽ xong quy hoạch
Q.1 xử lý cán bộ buông lỏng quản lý Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa nêu tình trạng cát cứ vỉa hè giữ xe trái phép mà Báo Thanh Niên phản ánh qua loạt bài Ai bảo kê các bãi giữ xe trái phép?. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Q.1 Trần Thế Thuận cho biết, Q.1 đã chỉ đạo ngưng 22 bãi giữ xe hoạt động trái phép mà Báo Thanh Niên phản ánh, đồng thời tiến hành kiểm điểm lãnh đạo Đội quản lý trật tự đô thị Q.1 và 1 phó chủ tịch UBND phường. |
Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá 5 tháng vừa qua, tình hình trật tự lòng lề đường có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước. Tuy nhiên, một số quận, huyện triển khai thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP chưa nghiêm. “Các quận, huyện phải xem lại, phải làm những việc nhỏ rồi mới làm việc lớn. Phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện chứ không phải vội vã làm cho có, rồi kết quả làm người dân thất vọng”, ông Phong nói và khẳng định sẽ trực tiếp họp định kỳ với lãnh đạo quận, huyện mỗi 3 tháng “để làm đến nơi đến chốn, kiểm điểm những nơi chưa làm được; phải kiên trì làm chứ không để mất uy tín với người dân vì mình đã cam kết rồi”.
Tại cuộc họp, ông Phong chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẩn trương thực hiện, hoàn tất đề án quy hoạch vỉa hè trên toàn địa bàn TP.HCM. “Có những gia đình mưu sinh nhờ vào vỉa vè. Điều này trên thực tế là có. Chính vì vậy, giải pháp phải căn cơ, tường tận mọi vấn đề để người dân có không gian phù hợp, thuận lợi để sinh hoạt, buôn bán”, ông Phong nói. Trả lời Thanh Niên bên lề cuộc họp, ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết Viện đang tập trung rà soát, khảo sát từng tuyến đường cụ thể, đề xuất TP cho phép chỗ nào được phép đậu xe, chỗ nào được phép buôn bán…, tháng 12.2017 dự kiến sẽ xong.
Cũng tại cuộc họp, ông Phong cũng chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện tổ chức gắn camera giám sát, số hóa dữ liệu vỉa hè, đầu tư nhà để xe tự động, nghiên cứu bổ sung điều kiện cấp phép kinh doanh phải có điểm giữ xe…, chứ không chỉ sử dụng biện pháp hành chính xử phạt trong vấn đề đảm bảo trật tự vỉa hè, lòng đường. Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện tiếp tục xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý trật tự đô thị.
Đình Phú - Ngọc Lê
Theo Thanh niên