Sửa một loạt quy định tại Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi

22/08/2017 15:36 PM

Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu (XK), Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan, dự kiến áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Ảnh T.L minh họa.

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu (XK), Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường theo quy định của Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (NĐ 122) và Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg nhằm thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN và quy định của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Thống nhất cách xác định tỷ lệ 51% trị giá tài nguyên, khoáng sản

Dự thảo Nghị định gồm 02 phần với 10 điều và 04 phụ lục, trong đó dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 04 Điều và bổ sung mới Điều 9 quy định thuế suất thuế NK đối với linh kiện ô tô giai đoạn năm 2018-2022.

Về các Phụ lục, sẽ thay đổi cơ bản danh mục của 04 Phụ lục kèm theo để thống nhất với danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu mới 2017 và sửa đổi thuế suất thuế XK, thuế NK ưu đãi do thực hiện chuyển đổi danh mục, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời khắc phục bất cập của Biểu thuế XK, biểu thuế NK.

Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 4 - Biểu thuế XK theo danh mục mặt hàng chịu thuế. Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung thêm nội dung hướng dẫn về nhóm hàng có số thứ tự (STT) 211 tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 để tạo thuận lợi cho việc thực hiện, đồng thời dự kiến bổ sung nguyên tắc kê khai mã HS tại khoản 1 Điều 4 nhằm giải quyết vướng mắc về kê khai mã HS của nhóm có STT 211.

Cùng với đó, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung khoản 2 Điều 4 để giải quyết vướng mắc về cách xác định mặt hàng nào thuộc nhóm có STT 211 và vướng mắc về cách xác định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung như trên nhằm quy định thống nhất theo nội dung sửa đổi quy định về cách xác định tỷ lệ 51% trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 100/2016/NĐ-CP đang được gửi xin ý kiến các bộ ngành.

Cũng tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 5 quy định về thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng thực hiện cam kết WTO cho các năm 2017, 2018 và từ 2019 trở đi.

Theo Bộ Tài chính, tổng số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2017 là 35.735 tỷ đồng, tăng 11,05% so với cùng kỳ năm 2016 (số thu thuế xuất khẩu là 4.446 tỷ đồng tăng 59,2% so cùng kỳ, số thu thuế nhập khẩu là 31.289 tỷ đồng giảm 3,3%). Nguyên nhân là do kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế 6 tháng đầu năm đạt 46,34 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, theo cam kết WTO, Việt Nam thực hiện cam kết cắt giảm thuế NK ưu đãi (MFN) theo lộ trình giảm đều hàng năm từ năm 2007 đến năm 2019 (áp dụng từ ngày 01/01 hàng năm). Đến năm 2017, Việt Nam chỉ còn có 13 dòng thuế có lộ trình cắt giảm thuế NK ưu đãi (MFN) từ năm 2017 đến năm 2019. Theo đó, tại khoản 3 Điều 5 NĐ 122 và tại Mục III Phụ lục II quy định chi tiết lộ trình thực hiện cắt giảm thuế suất theo cam kết WTO từ 01/01/2017 đến 31/12/2017, từ 01/01/2018 đến 31/12/2018 và từ ngày 01/01/2019 trở đi đối với 13 dòng hàng là các mặt hàng cá thuộc nhóm 03.03 (1 dòng), ô tô dưới 9 chỗ thuộc nhóm 87.03 (8 dòng), ô tô tải thuộc nhóm 87.04 (4 dòng).

Trên cơ sở đó, từ năm 2018 trở đi chỉ còn một số dòng thuế ô tô chở người dưới 9 chỗ thuộc nhóm 87.03 phải cắt giảm thuế suất. Do dự thảo Nghị định dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 nên mức thuế suất cắt giảm từ 01/01/2018 của các dòng thuế này được quy định trực tiếp tại nhóm 87.03 thuộc 97. Các mặt hàng cá thuộc nhóm 0.03 và ô tô tải thuộc nhóm 87.04 đã thực hiện xong lộ trình cam kết vào năm 2017, nên không cần quy định lộ trình cắt giảm tại mục III nữa. Vì vậy, tại mục III Phụ lục II chỉ cần quy định mức thuế suất nhập khẩu phải giảm theo cam kết WTO từ 01/01/2019 trở đi đối với các dòng thuế ô tô chở người dưới 9 chỗ.

Bộ Tài chính dự kiến bỏ các cụm từ “các năm 2017, 2018” tại nội dung khoản 3 Điều 5 và Mục III Phụ lục II  như sau: “3. Mục III: Quy định thuế suất thuế nhập khẩu  ưu đãi đối với một số mặt hàng thực hiện cam kết WTO từ năm 2019 trở đi”. Đồng thời bỏ tên của mặt hàng cá thuộc nhóm 03.03 và ô tô tải thuộc nhóm 87.04 tại  danh mục của Mục III Phụ lục II (do các mặt hàng này đã cắt giảm về cam kết cuối cùng vào năm 2017).

Ngoài ra, rà soát cam kết WTO gốc với danh mục AHTN 2017, các mặt hàng “Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-homes)”, mã hàng 8703.23.40, 8703.24.70 có mức cam kết là 70% (năm cắt giảm cuối cùng là năm 2014), Bộ Tài chính dự kiến đưa 02 mã hàng ra khỏi danh mục cắt giảm theo cam kết WTO tại mục III Phụ lục II (đang có mức thuế suất MFN là 58%) để thực hiện theo mức thuế suất MFN là 70% quy định tại nhóm 8703 của 97 Chương.

Khắc phục vướng mắc liên quan thuế NK ngoài hạn ngạch

Cùng với những nội dung trên, Bộ Tài chính dự kiến bỏ toàn bộ khoản 2 Điều 6 vì không cần thiết nữa. Mức thuế suất MFN 3% đối với các mặt hàng hoá dầu đã được quy định cụ thể tại Mục I Phụ lục II Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban và đồng thời bỏ cụm từ “và hóa dầu” tại tên Điều 6.

Đồng thời, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung, sửa đổi khoản 3 Điều 8 quy định về việc thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan chung và hạn ngạch thuế quan riêng theo các Hiệp định FTAs.

Lý do trong quá trình thực hiện thời gian qua có phát sinh vướng mắc liên quan đến mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam. Theo quy định Nghị định số 124/2016/NĐ-CP để thực hiện Hiệp định thương mại Việt- Lào, mặt hàng đường có tên trong danh mục mặt hàng được giảm 50% mức thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA  nên có mức thuế suất Việt- Lào là 2,5%. Tuy nhiên, tại thời điểm đăng ký tờ khai nhập khẩu doanh nghiệp chưa được Bộ Công thương cấp văn bản thông báo phân giao sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường nên theo quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Thông tư 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014, doanh nghiệp phải nộp theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 80%. Do có những vướng mắc như trên, Bộ Tài chính đã phải ban hành văn bản trao đổi thống nhất ý kiến với Bộ Công thương trước khi trả lời doanh nghiệp.

Ngoài ra, về dự kiến bổ sung 01 Điều 9 quy định về thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế từ 1/1/2018- 31/12/2022, Bộ Tài chính cho biết đang xin ý kiến các bộ ngành về phương án sửa đổi thuế suất. Sau khi có ý kiến các bộ ngành, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính sẽ bổ sung vào nội dung dự thảo Nghị định để trình Chính phủ vào tháng 9/2017.

Thời điểm hiệu lực thi hành của dự thảo Nghị định là từ ngày 01/01/2018 thống nhất với thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 65/2017/TT-BTC, đồng thời thay thế cho NĐ 122.

Trước đó theo Bộ Tài chính, NĐ 122 đã quy định mức thuế suất thuế XK, thuế suất thuế NK ưu đãi (MFN) theo đúng lộ trình và phù hợp với mức thuế suất cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tại NĐ 122 đã quy định cụ thể các mức thuế suất cho từng năm từ năm 2017 đến năm 2019 của 24 dòng thuế còn phải thực hiện cắt giảm thuế suất từ năm 2017 đến năm 2019 (năm 2019 là năm cuối cùng mà Việt Nam sẽ phải thực hiện cam kết WTO).

Các mức thuế suất thuế XK, thuế NK cơ bản đáp ứng được nguyên tắc ban hành thuế suất quy định tại Điều 11 Luật Thuế XK, thuế NK số năm 2016, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 97,76 tỷ USD tăng 18,9%, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 100,86 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hoá nhập siêu gần 3,1 tỷ USD bằng 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện NĐ 122 từ ngày 01/9/2016 đến nay đã có một số bất cập nhất định cần được giải quyết để đảm bảo phát huy được hiệu quả của chính sách, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan hải quan, phù hợp với bối cảnh Việt Nam bắt đầu giai đoạn cuối trong lộ trình xoá bỏ thuế quan của 11 Hiệp định FTAs đã ký cũng như cam kết WTO cho năm 2018 và 2019.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung NĐ 122 và Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg là cần thiết./.

Theo Bộ Tài chính, số lượng mức thuế suất thuế XK và thuế suất thuế NK MFN còn nhiều (12 mức thuế XK và 40 mức thuế NK), đòi hỏi công tác quản lý thu thuế phải chặt chẽ hơn để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế XK, thuế NK của mặt hàng chịu thuế XK, thuế NK.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2018-2025, phần lớn các Hiệp định thương mại sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ xóa bỏ thuế quan (giảm thuế suất nhập khẩu về 0%) như Hiệp định ATIGA sẽ có 98,26% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) sẽ có 90% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) sẽ có 86% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN-Úc và Niu Di lân (AANZFTA) xóa bỏ thuế quan đối với 86% dòng thuế vào năm 2018 (đạt 92% số dòng thuế về 0% vào năm 2022); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) sẽ có 71%  số dòng thuế về 0% vào năm 2018 (và 9% số dòng thuế vào 2021); Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) sẽ có 41,78% dòng thuế về 0% vào năm 2018 (có 90,64% số dòng thuế về 0% vào năm cuối lộ trình là năm 2026) và Asean – Nhật Bản (AJFTA) sẽ có 62,2% số dòng thuế về 0% vào năm 2018 (tăng lên 88,6% số dòng thuế về 0% vào năm 2025).

Diện mặt hàng mà Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các Hiệp định FTAs chiếm khoảng từ 5-7% số dòng thuế bao gồm: Thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, thuốc nổ...).

Tuy nhiên hiện nay, tại một số Hiệp định như ATIGA cũng đã yêu cầu Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch và đưa các mặt hàng thuốc lá, xăng dầu vào diện cắt giảm thuế quan. Theo đó, nhiều nhóm mặt hàng có cam kết lộ trình giảm thuế nhanh và thấp hơn nhiều so với mức cam kết WTO cũng như mức thuế MFN hiện hành và việc thực hiện thuế suất FTAs theo lộ trình tại các Hiệp định FTAs đã dẫn đến sự chuyển hướng thương mại nhất định, làm giảm ý nghĩa và mục tiêu bảo hộ, khuyến khích sản xuất trong nước của thuế suất MFN đồng thời dẫn đến thực tế là thuế suất nhập khẩu MFN của linh kiện, phụ tùng của nhiều mặt hàng cao hơn thuế suất FTA của sản phẩm nguyên chiếc.

 

Hoàng Lâm

Theo Thời báo tài chính  

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,126

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]