- Ông đánh giá thế nào về 1 loạt vụ cháy nổ xe liên tục xảy ra thời gian qua. Nguyên nhân theo ông là do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới cháy nổ xe. Tuy nhiên, theo phân công nhiệm vụ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam không có chức năng điều tra tai nạn giao thông cũng như các vụ cháy nổ xe.
Vì vậy, chúng tôi không có điều kiện để có thể tiếp cận với các xe bị cháy cũng như tìm hiểu chính xác nguyên nhân cháy xe.
Chỉ từ đầu tháng 12 đến nay liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy xe máy. |
- Vậy theo ông, những yếu tố bên ngoài như người sử dụng lắp thêm bộ phận ngoài, các hàng sửa xe mở tràn lan trong đó có chất lượng thợ chưa tốt… có thể là một trong những yếu tố dẫn tới hiện tượng cháy, nổ xe?
Theo quy định hiện hành thì việc tự ý thay đổi thiết kế của xe là hành vi bị nghiêm cấm.
Ngoài ra, ở nhiều nước trên thế giới, sửa chữa mô tô, xe máy là “loại hình kinh doanh có điều kiện” vì việc sửa chữa xe có liên quan trực tiếp đến an toàn của xe cũng như người ngồi trên xe khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, ở nước ta, ai cũng có thể mở cửa hàng bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy. Đây cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn dễ dẫn đến tai nạn, cháy nổ xe… khi tham gia giao thông.
- Có hiện tượng, nhiều xe kém chất lượng vẫn lưu thông trên đường, tình trạng này có thể gây nguy hiểm không chỉ với chủ xe mà còn với cả người đi đường. Ông đánh thế nào về việc quản lý những trường hợp này?
Ở hầu hết các nước trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… xe máy đều được quản lý chặt chẽ và kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ bắt buộc trong suốt quá trình sử dụng - giống như đối với ô tô.
Tuy nhiên, ở nước ta, do đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên việc kiểm tra kỹ thuật định kỳ chưa thể thực hiện được.
Có lẽ sau hàng loạt vụ cháy xe máy trong thời gian vừa qua cũng cần để chúng ta suy nghĩ thêm về vấn đề này.
- Cục Đăng kiểm giám sát các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy thế nào về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu an toàn?
Việc kiểm tra xe mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp được thực hiện theo quy trình được quy định cụ thể của Bộ GTVT.
Do vậy, nếu chiếc xe mẫu được kiểm tra, thử nghiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và kết quả của việc đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất phù hợp với quy định thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp giấy chứng nhận cho kiểu loại xe đó.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất được phép lắp, tự kiểm tra và cung cấp ra thị trường các xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt và có trách nhiệm duy trì chất lượng sao cho các xe sản xuất hàng loạt đúng với xe mẫu đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận.
Quy trình này cũng là quy trình chung đã và đang được các nước trên thế giới và các nước ASEAN áp dụng từ nhiều năm nay.
- Sau những vụ việc cháy nổ liên tiếp xảy ra thời gian gần đây, Cục Đăng Kiểm có nghĩ tới việc tăng cường kiểm tra giám sát các Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy?
Việc kiểm tra công tác duy trì hệ thống kiểm tra chất lượng các xe sản xuất hàng loạt của doanh nghiệp sản xuất xe không chỉ được Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành khi có khiếu kiện hoặc khi xảy một vụ việc nào đấy, mà được tiến hành định kỳ hàng năm.
- Xin cám ơn ông!
Xe máy cháy liên tiếp có thể do chập điện Liên quan đến một loạt vụ cháy, nổ xe máy diễn ra từ đầu tháng 12 đến nay, Tiến sĩ Lê Hồng Quân, Trưởng khoa Công nghệ Ô tô, Đại học Công nghiệp nhận định, hiện tượng cháy, nổ xe liên tiếp xảy ra trong thời gian qua có thể do chập điện. Theo ông Quân, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới chập điện. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thường là sự kết hợp của hai yếu tố: rò xăng và chất lượng dây điện trong xe kém. “Về hiện tượng rò xăng, đây không phải việc hiếm thấy ở xe máy, ô tô. Hầu như xe nào cũng có thể bị tình trạng này”, ông Quân cho biết. Ngoài ra, theo ông Quân, một nguyên nhân quan trọng khác gây nên cháy nổ xe là do dây điện ở nhiều xe không đạt tiêu chuẩn an toàn. Đây chính là tác nhân gây ra hiện tượng đánh tia lửa điện. Ông Quân cũng nói rõ, để dây điện không gây ra tia lửa điện thì quan trọng vỏ dây sử dung trong xe máy, ô tô phải bảo đảm chất lượng, tức dây điện phải có khả năng chịu được va đập và không bị xăng, dầu ăn mòn. Về việc một số vụ nổ xe liên tiếp thời gian gần đây, ông Quân cho rằng, nếu các xe đều là xe chính hãng thì chất lượng dây điện sẽ đảm bảo. Tuy nhiên, có thể sau một thời gian sử dụng, những phụ kiện tưởng như vô hại này không được chăm sóc bảo dưỡng thì việc hỏng hóc cháy, nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. |
Vũ Điệp (thực hiện)