Tuy nhiên, sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã đạt được những kết quả to lớn và cũng đứng trước những yêu cầu phát triển mới, được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một trong những mục đích của việc sửa đổi, bổ sung lần này là làm cho Hiến pháp trở về với bản chất của nó và giữ vị trí là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước và xã hội. Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 được ban hành trong thời điểm hệ thống pháp luật nước ta chưa hoàn thiện, đặc biệt là thiếu nhiều đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi ấy, không có gì khó hiểu là Hiến pháp đã phải “làm thay” nhiệm vụ của các đạo luật thông thường, nhất là những đạo luật về kinh tế, xã hội.
Các quy định cụ thể, chi tiết trong các bản Hiến pháp về chính sách của Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục cũng như các quy định cụ thể khác đã phát huy hiệu quả trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cách quy định trên đã làm cho một số nội dung của Hiến pháp trở nên nhanh lạc hậu với thời gian, không phù hợp với bản chất của Hiến pháp, làm suy giảm vị trí tối thượng của Hiến pháp.
Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta về cơ bản đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh ngày càng sâu rộng các quan hệ phát sinh trong xã hội và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Các luật về tổ chức cũng như các luật điều chỉnh về các quan hệ phát sinh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… ngày càng được hoàn thiện, tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Các chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội đã được điều chỉnh tương đối đầy đủ trong các đạo luật chuyên ngành.
Trong điều kiện này, thay đổi quan niệm về vị trí, vai trò của Hiến pháp là hoàn toàn cần thiết. Theo đó, Hiến pháp chỉ nên là văn bản phân công, tổ chức quyền lực nhà nước, là hiến chương ghi nhận và bảo đảm quyền, tự do cơ bản của công dân, là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Và đúng như Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã nói: “Hiến pháp không làm thay vai trò của các đạo luật thông thường”. Đây cũng là kinh nghiệm lập hiến của nhiều nước trên thế giới.
Thục Quyên