Ảnh minh họa |
Phát triển đội ngũ Luật sư “có tâm, có tầm”
Mới đây, qua việc tổng kết 5 năm thi hành Luật LS 2006, những kết quả và hạn chế trong tổ chức, hoạt động LS đã được phân tích và nổi lên 3 vấn đề chính là: phát triển đội ngũ LS cùng các điều kiện bảo đảm quyền hành nghề cho LS; hoạt động của các tổ chức hành nghề LS; quản lý Nhà nước và tính tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS đối với đội ngũ và hoạt động LS. Những vấn đề này cũng đã được ban soạn thảo thống nhất là “trọng tâm” để sửa đổi, bổ sung Luật LS.
LS.Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm ĐLS TP.HCM) nhận thấy, Luật LS và sự “khập khiễng” giữa Luật LS và các VBPL khác, đặc biệt là các luật tố tụng đang “cản trở chất lượng hoạt động LS, nhất là thời hội nhập”. Muốn phát triển đội ngũ LS “có tâm, có tầm” thì trước hết phải bắt đầu từ khâu đào tạo LS vào nghề chặt chẽ với qui trình thi tuyển phù hợp để khách quan, chính xác và đúng người hơn. Thực tế, còn nhiều LS không hề tham gia bất kỳ hoạt động hành nghề nào từ khi được cấp chứng chỉ và thẻ LS. Điều đó cho thấy, họ không thực sự quan tâm và sống bằng nghề LS, mà một phần nguyên nhân là do điều kiện trở thành LS quá dễ dãi, ngay từ khâu xét tuyển để đào tạo, chế độ miễn đào tạo hoặc tập sự…
Tán thành quan điểm tập trung vào khâu đào tạo, LS.Trần Tuấn Phong (Công ty Luật VILAF-Hồng Đức) khẳng định, trong mọi điều kiện LS đều có thể phát triển. Tuy nhiên, để có được đội ngũ LS đủ sức hội nhập thì cần quan tâm đến chất lượng đội ngũ mà phải bắt đầu từ khâu đào tạo và tổ chức hành nghề LS.
Tránh tình trạng tập sự kiểu “tập bơi trên cạn”, TS.Nguyễn Văn Huyên (Phó Giám đốc Học viện Tư pháp) đề nghị, trong những vấn đề đào tạo LS, cần sửa vấn đề “cộm” nhất là việc tập sự hành nghề LS. Hiện người tập sự hành nghề LS chỉ đang được “nhìn và ngó” chứ chưa được thao tác nghề nghiệp nên “khi hành nghề rất bỡ ngỡ, ảnh hưởng đến uy tín của LS và tổ chức hành nghề”.
Bảo đảm quyền hành nghề của LS
Kể từ khi thành lập (hơn 2 năm), Liên đoàn LS Việt Nam đã nhận được hơn 200 đơn phản ánh tình trạng gây khó dễ cho LS khi hành nghề từ các cơ quan tiến hành tố tụng, chủ yếu là trong giai đoạn điều tra. Nên về cơ bản, đến nay, các qui định về quyền hành nghề của LS đang “có như không”, được thực thi hay không đều phụ thuộc vào “lòng tốt” của cơ quan, người tiến hành tố tụng hay những “mối quan hệ thân tình” mà LS có được…
Đó là chưa kể đến những khó khăn khi LS muốn tiếp cận thông tin, tài liệu từ phía các cơ quan công quyền nhằm thu thập chứng cứ bảo vệ thân chủ. Bên cạnh đó, vẫn còn đến 50% LS không có việc làm đều cho thấy “quyền hành nghề của LS đang bị vi phạm nghiêm trọng” – LS.Đỗ Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn LS Việt Nam) nhận xét.
Sự thiếu đồng bộ giữa qui định của Luật LS và các luật tố tụng hiện hành, lại không có văn bản hướng dẫn của các cơ quan liên quan khiến LS có quyền mà vẫn bó tay trước những “cánh cửa” tố tụng. Tạo sự liên thông giữa Luật LS và các luật tố tụng là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia pháp lý và LS nêu lên tại nhiều diễn đàn liên quan đến hoạt động LS vì coi đây là cơ sở để bảo đảm quyền hành nghề của LS trong thực tế.
Hiện rất nhiều tổ chức hành nghề LS chỉ có… 1 LS (kiêm nhiệm tất cả các vai trò). Điều đó là khiến qui mô tổ chức hành nghề manh mún, nhỏ kẻ, điều hành yếu kém, thiếu tính chuyên sâu… Vậy nên, bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp) cho rằng, nên đưa qui định thời gian hành nghề (3-5 năm) trước khi được thành lập tổ chức hành nghề LS để củng cố thực lực của các tổ chức hành nghề, cũng như khắc phục mâu thuẫn “hôm trước chưa được hành nghề, hôm sau (được cấp chứng chỉ) đã là LS điều hành tổ chức hành nghề”...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Trưởng ban soạn thảo): “Cần làm Luật sửa đổi, bổ sung để giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách, phục vụ cho các chính sách mới của Đảng liên quan đến nghề LS với quan điểm là trọng tâm vào vấn đề chất lượng, đạo đức, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của LS trước khách hàng, XH và Nhà nước, có thể mở rộng đối tượng được hành nghề LS (để giải quyết vấn đề số lượng), tạo sự liên thông với luật về tố tụng. Đặc biệt, nhấn mạnh đến vai trò tự quản của Liên đoàn LS Việt Nam trong quản lý LS vì “Liên đoàn càng mạnh, Nhà nước càng nhàn, Liên đoàn tự quản, Nhà nước chỉ làm những việc Liên đoàn không thể làm, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động LS”. Do vậy, trong lần sửa đổi này, cần tập trung vào vấn đề LS và tổ chức hành nghề LS, nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp hóa và tiệm cận dần với thị trường pháp lý quốc tế. Đồng thời, hài hòa mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước và Liên đoàn, quan tâm đến tạo sự liên thông giữa LS nước ngoài và LS trong nước, để LS trong nước vươn ra thị trường nước ngoài và thay thế LS nước ngoài tại thị trường nội địa”. |
Huy Anh