Theo đó, tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hiểu là tiền lương tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; là tiền lương tháng cuối cùng đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công việc đã làm mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
Đối với, trường hợp người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm sau thời gian đóng gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì bằng tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của chính tháng đó.
Trường hợp NLĐ bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2016 mà thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp được tính trên cơ sở hệ số tiền lương và phụ cấp (nếu có) nhân với mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp.
Trường hợp NLĐ đồng thời giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động thì tiền lương tính hưởng trợ cấp bằng tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các HĐLĐ tại tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp của lần sau cùng nhưng không quá 20 tháng lương cơ sở (mức hiện hành là không quá 26.000.000 đồng).
Thông tư 26/2017 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2017 và cần lưu ý một số nội dung sau:
- Các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/7/2016.
- Đối tượng quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 2 được áp dụng theo quy định tại Thông tư này kể từ ngày 01/01/2018.
Thanh Hữu