Doanh nghiệp đổ lỗi do quản lý Nhà nước kém
"Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, việc kiểm soát chất lượng xăng dầu cũng như hoạt động kinh doanh trên thị trường là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và của cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối không thể với tay kiểm soát được đại lý bên ngoài."
Vị Phó tổng giám đốc Petrolimex khẳng định, Tổng công ty sở hữu 2.000 cây xăng, đều đảm bảo chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn cho mặt hàng xăng dầu. Petrolimex cam kết chất lượng xăng cung cấp cho các Tổng đại lý là đạt chuẩn, không có chuyện pha chế bất cứ loại dung môi nào vào. Nhưng với hàng nghìn cây xăng bán lẻ thuộc các Tổng đại lý bên ngoài, Petrolimex không thể kiểm soát được liệu họ có pha chế thêm chất gì trong mặt hàng xăng!
Ông Dũng bức xúc nói: "Cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ xem, công bố hàm lượng methanol cao trong xăng thì nguyên nhân vì sao, tiêu chuẩn là như thế nào, có tác hại như thế nào, xử phạt ra sao, chứ không thể công bố chung chung".
Nỗi lo của ông Dũng cũng có phần nào có cơ sở, bởi sau hàng loạt vụ cháy nổ ô tô, xe máy bất thường diễn ra làm dấy lên mối nghi ngại về chất lượng nhiên liệu, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và công nghệ mới phát hiện được 1 cây xăng có hàm lượng methanol cao vượt chuẩn. Đây là dung môi làm tăng hàm lượng oxy trong xăng, gây nguy cơ rò rỉ chập cháy động cơ xe. Chỉ 2 ngày sau, cây xăng này đã đổi chủ và liệu, chủ cũ có bị phạt vi phạm không thì chưa rõ!
Khó kiểm soát chất lượng xăng dầu (ảnh minh họa: P.H) |
Trước đó, 11 cây xăng dầu bán lẻ tại TpHCM đã bị phát hiện "treo đầu dê bán thịt chó", biển bán xăng A92 nhưng ruột lại là xăng A83. Nhưng tận đến hôm 4/1/2012, mới chỉ có 3 trường hợp bị xử phạt hành chính. Đáng lưu ý là, hình thức nặng nhất là tước giấy phép kinh doanh trong 12 tháng mới chỉ được UBND Tp HCM áp dụng cho 1 trường hợp, đồng thời "từ chối" cấp phép tiếp cho 2 trường hợp còn lại đã hết hạn giấy phép vào 31/12/2011.
Đại diện SaigonPetro bày tỏ với PV Diễn đàn kinh tế Việt Nam: "Tôi cũng không hiểu tại sao, thành phố chỉ rút phép 3 trong số 11 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vi phạm đó! Như vậy là phạt quá nhẹ!"
Theo phân tích của vị đại diện này, trước đây, vi phạm chất lượng xăng dầu tràn lan nhưng Nhà nước chỉ phạt tiền. Đến khi Nghị định 107 ra đời mới có thêm hình thức rút phép vĩnh viễn. Song, hình thức phạt nặng này phải được áp dụng triệt để, nghiêm khắc với các cây xăng vi phạm thì mới có tác dụng răn đe.
"Chỉ cần những cây xăng sai phạm bị tước phép, chắc chắn, các cây xăng khác sẽ "nhát" ngay. Họ thấy làm nghiêm, sẽ sợ, không dám làm "bậy". Đó là tâm lý người bán hàng", đại diện SaigonPetro khẳng định.
Cùng đó, ông Vương Thái Dũng cũng cho rằng, các bộ không phải lo việc rút phép hàng loạt cửa hàng thì sẽ gây gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng khâu phân phối cho người tiêu dùng. Vì đó là vấn đề của thị trường, có ông rút chân thì khắc có ông "nhảy" vào tiếp quản. Quan trọng là cơ quan quản lý phải làm thật nghiêm, không để các doanh nghiệp đầu mối mang tiếng!
Theo số liệu báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, năm 2011, lực lượng này đã kiểm tra 2.000 trường hợp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong đó, cơ quan này đã xử lý vi phạm trên 350 vụ, với tổng số tiền phạt trên 500 triệu đồng. Lỗi vi phạm bao gồm cả vi phạm về đo lượng, chất lượng, về giá, về điều kiện kinh doanh như phòng chống cháy nổ...
Tuy nhiên, cả năm 2011, cũng chỉ có hơn 10 cây xăng bị áp dụng hình phạt nặng nhất là rút phép.
"Doanh nghiệp đầu mối chịu tới cùng chất lượng xăng dầu"
Ông Võ Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho hay, nếu doanh nghiệp nói chế tài còn quá nhẹ thì nói thế là sai. Vì theo Nghị định 104, vi phạm về chất lượng, kinh doanh xăng dầu, có thể bị rút giấy phép vô thời hạn.
Riêng về việc xảy ra lỗi gian lận chất lượng xăng dầu tại các cây bán lẻ, doanh nghiệp đầu mối có thể không kiểm soát hết được nhưng không thể đứng ngoài cuộc các vụ việc này.
Theo ông Quyền, về nguyên tắc các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải có trách nhiệm với toàn bộ vấn đề như giá cả, chất lượng... của mặt hàng xăng dầu trong hệ thống phân của mình. Anh phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng hàng hóa tới người tiêu dùng. Đó còn là uy tín của thương hiệu doanh nghiệp đối với khách hàng.
"Doanh nghiệp không thể cứ bán xăng, thu tiền là xong. Nếu cửa hàng của anh bán sai thì anh cũng phải chịu trách nhiệm", ông Quyền nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo này, xăng dầu được quản lý phân phối không phải theo kiểu mua đứt bán đoạn. Bộ Công thương đã quy định, hệ thống phân phối của doanh nghiệp là các Tổng đại lý, đại lý, các công ty chi nhánh trực thuộc. Nếu doanh nghiệp đầu mối tiến hành kiểm tra thường xuyên thì sẽ ít xảy ra vi phạm ở hệ thống phân phối của mình. Trong hệ thống của mình, anh có đội quân cung ứng, tiếp thị thì phải nắm được thông tin cửa hàng này, cửa hàng kia có hiện tượng gì để báo kịp thời cho Ban 127.
Cũng theo phân tích của ông Quyền, mặc dù việc phát hiện và xử phạt các vi phạm là chức năng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng không có nghĩa, doanh nghiệp đầu mối đứng ngoài cuộc. Thị trường xăng dầu thì mênh mông như thế, các doanh nghiệp đầu mối không thể đổ dồn toàn bộ trách nhiệm giám sát chất lượng mặt hàng cho cơ quan quản lý Nhà nước được.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc kiểm tra kiểm soát thị trường xăng dầu vẫn được thực hiện liên tục, thường xuyên, không phải đến khi có vụ cháy nổ xe thì cơ quan quản lý thị trường mới vào cuộc. Riêng về vụ vi phạm không đạt chuẩn tại cây xăng Mai Dịch, km9, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy Hà Nội, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh của của hàng này, đồng thời sẽ làm rõ trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp đầu mối là Công ty xăng dầu Quân đội hay là do Đại lý- Công ty CPSXDVXNK Từ Liêm.
Theo VEF.VN