10/01/2012 08:15 AM

- Thảo luận Luật Giáo dục đại học, ĐBQH Trần Du Lịch ví von cách tuyển sinh của ta lâu nay chẳng khác xe đò đi rước khách. Xe chất lượng cao sau khi rước đầy khách tốt loại đầu tiên mới đến lượt xe thứ hai, xe ọc ạch nhất đón nốt số còn lại. Các trường, khoa mở ra nhiều đến mức không còn khách để rước.

Đại biểu Trần Du Lịch: Nên khuyến khích loại hình trường phi lợi nhuận.Ảnh: Minh Thăng


Theo ông Lịch, cách hoạt động như vậy không thể đảm bảo được chất lượng của giáo dục đại học. Do đó, trước khi bàn việc sửa luật, phải giải quyết nhiều "ách tắc" trong giáo dục đại học. Ý kiến của ông đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu dự hội nghị ĐBQH chuyên trách chiều 9/1, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học.

"Nhả" từ từ

Ông Lịch phân tích, lâu nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn thâu tóm quyền tự chủ của các trường trong tay và chỉ nhả ra từ từ. Ngay trong dự án luật cũng cho thấy, Bộ có "nhả" ra nhưng vẫn còn vương vấn. Bản chất của giáo dục đại học là tự chủ, vì vậy, cốt lõi của vấn đề phải là làm rõ được khái niệm tự chủ.

Theo ông Lịch, không thể phát huy quyền tự chủ khi chất lượng giáo dục đại học còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, tình trạng giảng viên tốt nghiệp đại học đã đi dạy sinh viên đại học, việc mở ồ ạt các trường, khoa trong mấy năm vừa rồi. Những tồn tại này xảy ra không phải do thiếu luật mà thuộc trách nhiệm của những nhà quản lý. Bộ Giáo dục phải chịu trách nhiệm. Nếu chưa minh định  rõ các trách nhiệm này thì quy định về tự chủ trong luật cũng khó khả thi.

"Luật muốn xác định quyền tự chủ phải công nhận vai trò pháp nhân của các trường. Như vậy, địa vị pháp lý mới rõ ràng. Còn như ở đây, cứ nói chuyện tự chủ nọ kia nhưng bản chất địa vị pháp lý là không có", ông Lịch nói.

Ông Lịch phân tích thêm, một điểm "rối rắm" khác chi phối đến thực hiện quyền tự chủ. Đó là Nhà nước cho phép quá nhiều tư nhân tham gia mở trường học như mở công ty, chỉ chú trọng lợi nhuận. Trong khi, Nhà nước nên khuyến khích loại hình trường phi lợi nhuận, bất kể do Nhà nước hay tư nhân mở ra.

Trên thế giới, các trường ĐH tư danh tiếng đều phi lợi nhuận, theo nghĩa những người bỏ tiền ra không thu lợi tức về mình. "Đề nghị phải làm rõ vấn đề này trước khi bàn chuyện tự chủ", ông Lịch nói.

Nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng QH Trần Thị Tâm Đan phân tích, nên hiểu về trao quyền tự chủ là tạo cơ chế để các trường được chủ động, chứ không phải cho bao nhiêu quyền và giao quyền đến đâu, cho một nửa hay giao hết. Đi kèm đó là thiết chế hoạt động của hội đồng trường và trách nhiệm hiệu trưởng. Tiêu chí thành lập và hoạt động của trường cũng phải cụ thể, rõ ràng.

"Với các trường không đảm bảo điều kiện, cần xử lý về tổ chức, về cán bộ thay vì tư duy trường nào đủ điều kiện thì giao nhiều quyền tự chủ, trường nào chưa đủ điều kiện thì giao ít", bà Tâm Đan nói.

Giáo sư Đặng Hữu góp ý, quyền tự chủ trong luật mới được giao nửa chừng. Trong khi đó, Nhà nước phải đổi từ vai chỉ huy, quản lý sang vai trò làm bà đỡ, gợi mở cho các tư duy mới phát triển. Vì nếu không có quyền tự chủ sẽ không phát triển được giáo dục đại học.

Theo GS Nguyễn Đình Hương, chuyện tự chủ được mong mỏi từ lâu lắm, chỉ mong Luật được ban hành như "khoán 10" trong nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế các quy định chưa đáp ứng kỳ vọng.

Kiểm định phải như kiểm toán

Chia sẻ thực tế rằng áp lực lên chuyện cải cách giáo dục đại học là rất lớn nhưng theo GS Nguyễn Đình Hương, bộ luật đầu tiên về giáo dục đại học phải hướng tới nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, rất nhiều điểm trong dự án luật, như về kiểm định, chất lượng giảng viên... vẫn chưa nhận được sự đồng thuận ở Quốc hội. Chẳng hạn, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, kết quả kiểm định là để xác nhận mức độ chất lượng của cơ sở giáo dục, từ đó có hướng cải thiện chứ không phải để xử lý vi phạm. Do đó không quy định chế tài xử lý với cơ sở vi phạm.

Theo ông Phùng Đức Tiến (UB Khoa học, công nghệ và môi trường), việc kiểm định phải gắn với các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và có lộ trình cụ thể. Tránh tình trạng như lâu nay, chất lượng học ở các cấp dưới được siết ngặt nghèo nhưng lên đại học lại bị buông.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) cho rằng, quy trình kiểm định phải là bắt buộc, các tổ chức kiểm định phải độc lập như kiểm toán nhà nước thì mới mong nâng cao được chất lượng. Chỉ có như vậy các trường mới quan tâm giữ gìn thương hiệu.

Dự án Luật Giáo dục đại học sẽ được trình kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,476

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]