Dẫn đầu đoàn giám sát là GS Nguyễn Lang - phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, luật sư Lê Đức Tiết - phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật.
Ngôi nhà của ông Vươn sau khi bị phá sập - Ảnh: H.H. - N.H.K. |
Trình bày với đoàn giám sát, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Tiên Lãng Hoàng Anh Tuấn nói việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và các hộ khác là "đúng quy định của pháp luật", và vì nơi đó sẽ làm sân bay, huyện sẽ quai đê lấn biển lần hai để di dân.
“Nhân dân bức xúc về sự manh động, hung bạo của ông Vươn và người nhà. Nhân dân vô cùng phẫn nộ trước hành động ngông cuồng, mất tính người của Vươn”.
Đến xã Vinh Quang, cả Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Hoan và Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Liêm đều khẳng định ông Vươn thực ra không có công lao gì nhiều, việc ông Vươn làm và báo chí đưa tin thời gian qua khiến người dân không đồng tình.
“Khi có sự việc xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan nhà nước nhưng không lường hết khả năng các đối tượng manh động đến mức độ đó. Địa phương cũng đã hướng là nếu anh Vươn bàn giao, sẽ giao khoán theo thẩm quyền nhưng anh Vươn không chấp nhận và yêu cầu huyện phải giao đất. Chúng tôi có suy nghĩ, sự việc đã rồi, các cơ quan thông tin đại chúng phát rất nhiều tin nhưng ở địa phương chúng tôi thấy rất bất bình” - ông Hoan nói.
Khác với chính quyền, đoàn giám sát tiếp xúc với những người dân xã Vinh Quang lại có cái nhìn khác về ông Vươn và gia đình.
Ông Mai Công Chứng (thôn Chùa), 85 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, cho biết: “Nhà ở gần Cống Rộc đã 50 năm nay, trước đây, nơi này là biển nước, chỉ có vài cây sú, bần, cói không mọc nổi. Từ ngày anh Vươn đổ xương máu, tiền của công sức đắp kè và làm đầm, trồng cây chắn sóng thì nhiều gia đình khác như nhà tôi không còn nơm nớp lo vỡ đê chạy bão như trước đây nữa”.
Ông Chứng kể hồi bắt đầu quai đê, lấn biển, anh Vươn cứ đắp sáng thì chiều đê vỡ, đắp chiều thì sáng mai không thấy đê đâu nữa. Bố anh Vươn là ông Thiểu xót xa công sức, tài sản còn mắng chửi anh Vươn nhưng anh vẫn quyết tâm làm nên cơ đồ và tạo thành phong trào trong dân, đến lúc được “ăn” lại bị thu hồi.
Anh Nguyễn Văn Đức (xóm Chùa trên) nhận xét: "Lực lượng cưỡng chế rất đông, có cả công an, bộ đội. Anh Vươn nổ súng là sai rồi. Nhưng không biết chính quyền có hiểu là nhà ông ấy phải bán hết gia sản, vay nợ để ra đầm. Còn về lối sống thì chúng tôi ghi nhận anh Vươn là tấm gương sáng về nhân cách, lối sống, quan tâm đến mọi người. Mong các cơ quan có trách nhiệm làm rõ nguyên nhân anh Vươn đã bị đẩy tới con đường tội lỗi”.
“Dân Vinh Quang chưa từng chứng kiến sự kiện nào như vậy. Cơ quan pháp luật làm rõ điều gì đã dẫn gia đình vốn lương thiện, tốt bụng này phải chống lại chính quyền như thế. Theo tôi biết, gia đình Vươn mới bắt đầu thu lại những gì đã đầu tư khoảng hai năm nay, lúc bắt đầu làm ăn được lại lấy của người ta, khác gì dồn người ta vào đường cùng”, bà Nguyễn Thị Sinh - người ở gần khu vực cống Rộc - nói.
Nhiều người dân xã Vinh Quang khẳng định rằng đoàn cưỡng chế tiến hành thu hồi đất nhà ông Vươn thì lập tức đã có người tiếp quản, không thể có chuyện dân bất bình nên phá nhà ông Vươn như phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại nói.
HƯNG DŨNG - L.KIÊN