13/01/2012 15:26 PM

- Nhiều ngày qua, người dân xã Vinh Quang không ngớt bàn tán về “chuyện anh Vươn”. Với họ, điều mà họ rành rọt phân tích và nhận định được, đó là mấy anh chủ đầm cống Rộc vướng vào hai tội: chống người thi hành công vụ và tội tàng trữ vũ khí trái phép. Nhưng...

Vắng lặng tới… bất thường!

Chúng tôi có mặt tại khu đê biển quốc gia địa phận xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có tên Cống Rộc sau gần một tuần vụ việc chống người thi hành công vụ của các đối tượng Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý… đã được cơ quan chức năng Hải Phòng dẹp yên.

Không còn cảnh tượng người xem đứng đông cứng trên con đê biển, không còn cảnh lực lượng chức năng nỗ lực tìm cách bủa vây, bắt giữ những đối tượng cố thủ chống lại lực lượng cưỡng chế trong hơn một buổi sáng ngày 05/1/2012 vừa qua…

Khu vực đầm bãi của Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế nhìn từ trên đê chính.


Tất cả vắng lặng đến mức tưởng như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Con đường dẫn đến khu đầm được láng bê-tông ở chính giữa, dài chừng vài trăm mét chạy thẳng từ đê chính.

Đứng từ triền đê nhìn xuống, cả một vùng bờ đầm trải mênh mông ngút tầm mắt. Phía xa nhất sát mép biển là rừng sú, rừng bần.

Trên những con đường kẻ ô bàn cờ chia các khu vực đầm nuôi trồng thủy hải sản thành từng ô khoảnh, những hàng chuối đều tăm tắp bời bời mọc lên. Trên mặt nước là cảnh tượng những đàn vịt đẻ hàng trăm con đang thản nhiên bơi lội.

Không khó để nhận ra một tư duy làm kinh tế của những chủ đầm – những người nông dân thực thụ bắt biển hoang, đất cằn cho quả ngọt: không để đất có thời gian nghỉ ngơi. Điều đó cũng đồng nghĩa, mồ hôi của họ chưa bao giờ ngừng chảy trên đất này.

Ngay trong buổi chiều cùng ngày (05/1/2012), khi những kẻ chống đối ngoan cố cuối cùng đã chịu khuất phục, lực lượng tiến hành cưỡng chế đã hoàn thành nhiệm vụ: đầm nuôi trồng thủy sản của Đoàn Văn Vươn được giao lại cho chính quyền xã Quang Vinh quản lý.

Ngôi nhà hai tầng – nơi sinh sống của gia đình Vươn, Quý, đồng thời là nơi các đối tượng “cố thủ” đã được lực lượng chức năng đưa máy ủi xuống san phẳng.

Hai người đàn ông cặm cụi phơi lưới trên con đường bao, im lặng không nói gì. Một nhóm nhỏ chừng dăm ba người từ phía đầm đi lên trên đê, lỉnh kỉnh lưới và giỏ.

Một thông tin duy nhất mà hai người đàn ông này trò chuyện, đó là: đầm của anh Vươn phía bên phải, còn bên này là đầm của chúng tôi.

Chúng tôi cố gắng tìm cách tiếp cận hiện trường của vụ việc, tuy nhiên không mấy dễ dàng.

Đi sâu thêm chừng vài chục mét là ngôi nhà một tầng khá nhiều gian, đổ mái bằng, sơn vàng. Chừng chục người đàn ông mặc thường phục đang túc trực ở đây.

Một trong số họ đứng ra ngăn chặn khi biết chúng tôi là phóng viên bằng một lời giải thích: Chúng tôi được giao nhiệm vụ canh giữ khu vực này, không cho ai vào. Các anh muốn vào tác nghiệp phải có giấy của xã.

Đó cũng là lời giải thích mà nhiều phóng viên của nhiều cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương khi xuống cống Rộc tìm hiểu sự việc trong vài ngày trở lại đây nhận được.

Xóm Chùa Trên nằm im lìm dưới chân đê. Cả xóm, nhà mái ngói nhiều hơn nhà mái bằng, đỏ au dưới tiết trời lạnh giá.

Nhiều ngày qua, người dân xã Vinh Quang không ngớt bàn tán về “chuyện anh Vươn”. Với họ, điều mà họ rành rọt phân tích và nhận định được, đó là mấy anh chủ đầm cống Rộc vướng vào hai tội: chống người thi hành công vụ và tội tàng trữ vũ khí trái phép.

Vì đâu mà một người thừa bản lĩnh, thừa quyết tâm, nghị lực và niềm tin, thừa cả sự khôn ngoan vì “trời nó còn thắng được!” (lời cụ Phạm Văn Danh) như Đoàn Văn Vươn lại vướng vòng lao lý?


Người dân ở đây bảo, chuyện Đoàn Văn Vươn tổ chức chống đối lại lực lượng cưỡng chế là vi phạm pháp luật rõ ràng, nhưng đằng sau đó, họ vẫn mang nhiều tâm tư về vụ việc.

Vài chục năm trước, khi Đoàn Văn Vươn quyết tâm “ném tiền xuống biển”, khoảng sân rộng của gia đình ông Mai Công Chứng (lúc đó là trưởng ban mặt trận thôn Chùa) và nhà ông Đặng Văn Mát trở thành nơi tập kết nguyên liệu tre luồng, cát đá… chuẩn bị cho cuộc chiến “đánh biển” của Đoàn Văn Vươn.

Đây cũng là địa danh từng được nhiều báo nhắc đến khi có nhiều người dân sống tại xóm Chùa được tạo công ăn việc làm, được anh chủ đầm tốt tính, gan cóc tía Đoàn Văn Vươn nhiều lần cưu mang, giúp đỡ.

Vinh Quang là xã nằm ở đoạn cuối cùng của tỉnh lộ 212, cách thị trấn Tiên Lãng 14km. Khu vực đầm cống Rộc đương nhiên là khu cuối cùng của xã vì nó ở ngoài đê, sát mép biển.

Các chủ đầm khác thường làm chòi canh ở ngoài bãi, và xây dựng nhà cửa kiên cố ở giữa xóm, giữa làng, gần khu dân cư đông đúc.

Dường như, duy nhất chỉ có hộ gia đình Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý (em ruột Vươn) là ở chơ vơ giữa đầm bãi.

Người dân xã Vinh Quang không ngạc nhiên khi được hỏi về sự khác lạ này, vì hơn chục năm nay, anh em Vươn – Quý cùng vợ con đều ở đó. Có hai lý do: thứ nhất, từ ngày Đoàn Văn Vươn “thắng” biển, cống Rộc không còn là nỗi ám ảnh người dân xã Vinh Quang, nó hiền lành giống như một 'mãnh thú' đã được thuần hóa.

Lý do thứ hai: nhà cửa, vườn tược, mấy anh em Vươn đã bán sạch để đầu tư cho “canh bạc” đánh biển, họ không còn nhà, còn đất để mà về!

“Tiếc!”

Đó là câu trả lời của nhiều người dân xã Vinh Quang khi sự việc đáng tiếc đã xảy ra đối với Đoàn Văn Vươn.

Trước khi sự việc xảy ra, trong mắt họ, Đoàn Văn Vươn là một người có đầy quyết tâm và nghị lực.

Người đứng lên phát biểu trên nhiều tờ báo và “tiếc cho Vươn” nhất có lẽ là cụ Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên bí thư đảng ủy xã Vinh Quang.

Ông Phạm Văn Danh (mặc áo sáng màu, nguyên bí thư xã Vinh Quang) và ông Mai Công Hợi (nguyên chủ tịch MTTQ xã Vinh Quang)


Trong số hiếm hoi thế hệ lãnh đạo lão thành của xã Vinh Quang còn sống sót, những người trực tiếp chứng kiến từ khởi thủy gian khó đến lúc thành công của Đoàn Văn Vươn, bây giờ nhắc đến, cụ Danh vẫn còn không ngớt lời thán phục.

“Chịu thằng Vươn, gan nó bằng gan trời. Chính tôi là người đứng ra cản nó mấy lần nhưng nó không nghe, nó vẫn quyết làm, và nó làm được…”.

Câu chuyện của chúng tôi, ngoài cụ Phạm Văn Danh còn có các ông Mai Công Hợi (nguyên chủ tịch mặt trận tổ quốc xã), ông Nguyễn Trọng Cận nguyên chủ tịch hội Cựu chiến binh xã.

“Nhiều nhà báo hỏi chuyện tôi lắm rồi. Cả ngày hôm nay cũng có 4, 5 nhà báo đến hỏi chuyện. Mỏi lắm, vì tôi vẫn phải kể lại những chuyện mà tôi nói, rằng thằng Vươn nó là thằng khá...” – ông Danh tâm sự.

Nhưng, vì đâu mà một người thừa bản lĩnh, thừa quyết tâm, nghị lực và niềm tin, thừa cả sự khôn ngoan vì “trời nó còn thắng được!” (lời cụ Phạm Văn Danh) như Đoàn Văn Vươn lại vướng vòng lao lý?

Nhóm PV điều tra

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,728

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]