- Tội danh của ông Đoàn Văn Vươn sẽ như thế nào khi hành vi phạm tội của ông này xuất phát từ quyết định cưỡng chế sai của chính quyền?
- Ông Đoàn Văn Vươn hiện bị khởi tố tội giết người. Kết luận của Thủ tướng về việc cưỡng chế sai không phải là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự cho bị can mà chỉ là căn cứ để xác định tình tiết giảm nhẹ đặc biệt (phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra) khi xem xét, quyết định hình phạt.
Cần nói thêm, vào thời điểm xảy ra sự việc chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức cưỡng chế là sai. Lực lượng cưỡng chế cũng không biết mình đang thực hiện một quyết định sai trái, họ chỉ thừa hành nhiệm vụ được giao. Các bị can khi thực hiện hành vi chống trả lực lượng cưỡng chế cũng không ý thức được hành vi mà mình thực hiện là chống lại hành vi sai luật của lực lượng cưỡng chế mà chỉ đơn thuần là phản kháng vì uất ức. Mặt khác, việc dùng súng hoa cải bắn trả lực lượng cưỡng chế... là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là hành vi khách quan của tội giết người nên hành vi đó vẫn bị coi là phạm tội và sẽ được xem xét cùng với tình tiết giảm nhẹ vừa nêu ở trên.
- Vậy với nhóm người thân của ông Vươn bị khởi tố tội "chống người thi hành công vụ" khi lực lượng công vụ đã thi hành quyết định sai?
- Do tính chất ít nghiêm trọng hơn hành vi giết người, lại thực hiện trong bối cảnh vụ cưỡng chế có nhiều yếu tố “nhạy cảm” và sai luật này nên chúng tôi cho rằng, ngay trong trường hợp có đủ căn cứ để quy kết một số người có hành vi chống người thi hành công vụ thì vẫn có thể áp dụng quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự để xem xét, miễn trách nhiệm hình sự cho họ.
- Thưa luật sư, những người chỉ đạo một số cá nhân phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự ra sao?
- Tùy từng trường hợp cụ thể, trách nhiệm hình sự của những người chỉ đạo phá nhà này sẽ được xem xét trên cơ sở hành vi cũng như ý thức chủ quan của họ khi thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trường hợp này, đã điều tra xác định được lực lượng cưỡng chế phá hủy tài sản trên đất của gia đình ông Vươn và ông Quý, người ra quyết định cưỡng chế cũng như đứng đầu lực lượng cưỡng chế phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân (nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên).
Luật sư Phạm Thanh Bình. Ảnh:Anh Thư |
Nếu quá trình điều tra chứng minh được mục đích của những cá nhân thực hiện hành vi trực tiếp chỉ đạo và thuê máy ủi phá hủy nhà ông Vươn là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
- Việc phá hủy căn nhà 2 tầng không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế sẽ như thế nào?
- Đối với việc phá hủy nhà không nằm trong khu vực bị cưỡng chế, những cá nhân chỉ đạo cưỡng chế có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Trong trường hợp không xác định được mục đích của những người có hành vi vi phạm, những cá nhân đó có thể bị xử lý hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” với vai trò đồng phạm.
Tùy vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm, người phạm tội có thể phải chịu mức phạt tù đến tối đa là tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
- Vậy các cá nhân như anh Vũ Văn Kết, Đỗ Văn Đoàn và Đặng Văn Tài đã trực tiếp dùng máy xúc phá hủy căn nhà của ông Vươn sẽ bị xử lý như thế nào?
- Theo lời của họ, họ được các “quan chức” huyện và xã Vinh Quang đứng ra thuê phá dỡ một căn nhà (với giá 500 nghìn đồng mỗi giờ) nên họ không biết (và họ cũng không buộc phải biết) căn nhà họ được thuê phá hủy không thuộc đối tượng phải phá hủy, không nằm trong phạm vi được cưỡng chế nên họ không “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó”. Do đó, chúng tôi cho rằng khó có đủ căn cứ để quy kết trách nhiệm hình sự cho họ về hành vi hủy hoại tài sản
Tuy nhiên, trong trường hợp họ biết việc phá hủy ngôi nhà của ông Vươn là ngoài phạm vi cưỡng chế (thông tin từ các thông báo, từ người thuê…), biết việc chính quyền địa phương thuê họ phá dỡ căn nhà là sai trái nhưng vì vụ lợi, họ vẫn cố ý thực hiện, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
- Việc chính quyền xã được giao quản lý khu đầm hồ nhưng để một số cá nhân vào đánh bắt thủy hải sản trong đầm sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?
- Việc UBND xã được giao quản lý khu đầm hồ của hộ ông Vươn nhưng lại để một số người vào đánh bắt thủy hải sản, Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Tùy từng trường hợp cụ thể, trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã và những người có trách nhiệm liên quan được xem xét như sau.
Nếu người vào đánh bắt thủy hải sản được sự đồng ý của UBND xã, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nếu do thiếu trách nhiệm để người lạ vào đánh bắt thủy hải sản, Chủ tịch UBND xã có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, họ còn phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho gia đình bị hại.
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. |
Anh Thư thực hiện