06/02/2012 14:44 PM

- Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu làm việc với TP Hải Phòng và các bộ ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc... để xem xét vụ việc cưỡng chế ở Tiên Lãng. Trao đổi với VietNamNet, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật MTTQ Lưu Văn Đạt khẳng định: Câu chuyện rất nghiêm trọng và không thể không giải quyết vì ảnh hưởng đến lòng tin của dân với chính quyền và Đảng.

Phá tài sản của dân: Phải truy cứu trách nhiệm hình sự

Ông Đạt cho rằng:

- Đây là một vụ việc nghiêm trọng và phức tạp về nhiều mặt như nhiều người đã phân tích thời gian qua. Có những tình tiết chưa rõ cần phải được làm rõ và xem xét hết sức thận trọng. Trong quá trình xem xét, cơ quan chức năng cần chú ý lắng nghe một cách khách quan, cân nhắc ý kiến của cả hai bên cũng như các chuyên gia để tìm rõ sự thật, nhìn thẳng và thấy được sự thật.

Luật sư Lưu Văn Đạt: Nguyên nhân sâu xa là vấn đề xung đột lợi ích. Ảnh: Minh Thăng

Phương châm xử lý phải thận trọng, khách quan, khẩn trương, nhìn nhận đúng bản chất vấn đề.

Thủ tướng đã yêu cầu Hải Phòng làm rõ ba việc về thu hồi đất, cưỡng chế, phá nhà dân. Ý kiến của ông?

- Với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, sự vào cuộc của Mặt trận, Hội nông dân, các cơ quan chức năng, tôi mong sẽ sớm tìm ra được cách giải quyết thỏa đáng, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật làm yên lòng dân.

Theo tôi, những vấn đề cơ bản cần giải quyết chính là ba vấn đề đã được Thủ tướng chỉ đạo.

Thứ nhất, cần làm rõ đúng sai trong việc giao đất, thu hồi đất.

Theo tôi, việc thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn là phải tuân theo Luật đất đai năm 2003, chương III, mục 4.

Có nhiều vấn đề phải tiếp tục làm rõ, đúng sai chỗ nào. Các cơ quan chính quyền nói rằng mọi việc đều được làm theo đúng quy định pháp luật nhưng dân lại không tán thành với ý kiến của chính quyền.

Theo tôi, quy mô cưỡng chế cũng cần phải xem xét lại. Cũng như chủ trương dùng lực lượng quân đội vào cưỡng chế là không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Quân đội không được huy động trong trường hợp ứng xử với nhân dân.

Mặt khác, cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn không có mục đích rõ ràng. Giải thích xung quanh chuyện này đang rất khác nhau. Có vị nói để xây dựng sân bay Tiên Lãng nhưng xây sân bay là vấn đề thuộc an ninh quốc phòng. Đây là chuyện thuộc quyết định của Trung ương chứ đâu phải của địa phương. Đã có cấp nào ra quyết định về xây sân bay chưa mà đã thu hồi đất của dân? Còn nếu nói thu hồi đất của dân để cho xã đấu thầu như một vị đã nói thì lại càng không có cơ sở pháp lý.

Việc phá tài sản, nhà cửa của dân, ai làm sai thì phải làm rõ và phải chịu trách nhiệm. Đây là việc làm sai rõ nhất và có đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự, chiếu theo Bộ Luật Hình sự. Không chỉ là trách nhiệm dân sự bồi thường cho dân mà còn là trách nhiệm hình sự vì hủy hoại tài sản của người  khác.

Ông vừa nói đây là một vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Vậy hướng xử lý nên như thế nào?

- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi vụ vi phạm pháp luật đều phải xử lý theo đúng pháp luật.

Người chống đối pháp luật cũng phải xử lý nghiêm nhưng phải cân nhắc, xem xét tình tiết giảm nhẹ, trong đó có căn nguyên dẫn đến hành vi chống đối bức xúc đó của người dân.

Người ra quyết định sai trong quản lý đất đai hay cưỡng chế sai cũng phải xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Hy vọng với sự giám sát của các cơ quan liên quan, cơ quan chức năng sẽ đưa ra hình thức xử lý thỏa đáng bởi đây sẽ là một bài học điển hình cho các vụ thu hồi cưỡng chế đất đai khác.

Xung đột lợi ích

Vụ việc ở Tiên Lãng chỉ là một chuyện cá biệt hay là một "cơn sóng ngầm trong lòng dân đã xuất hiện" như ý kiến của một số chuyên gia pháp luật? Nguyên nhân sâu xa của xung đột bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

-  Theo tôi, nguyên nhân sâu xa là vấn đề xung đột lợi ích.

Một trong các vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay và có thể dẫn đến sự đối lập giữa một bộ phận người dân với một số cơ quan chính quyền là quanh việc thu hồi đất.

Nhiều người nói câu chuyện đất đai bức xúc từ lâu, nhưng theo tôi nhớ có lẽ nghiêm trọng nhất là trong vòng 10 năm trở lại đây. Từ năm 2000 đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn quanh chuyện thu hồi đất của dân phục vụ quá trình đô thị hóa. Lợi nhuận từ đất đai rất lớn và đang rơi vào túi của một số nhà đầu tư cùng một số quan chức thoái hóa biến chất.

Do đó, câu chuyện ở Tiên Lãng rất nghiêm trọng và không thể không giải quyết vì ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với chính quyền và với Đảng.

Từ câu chuyện này, chính quyền cơ sở cần rút ra bài học gì trong cách ứng xử với người dân, thưa ông?

- Cán bộ ở những nơi đang tồn đọng mâu thuẫn quanh chuyện thu hồi đất đai phải nhìn vào vụ việc này rút kinh nghiệm để không bao giờ lặp lại sai lầm như trên. Phải sớm giải quyết thỏa đáng để ổn định lòng tin và tăng lòng tin của nhân dân vào chính quyền và Đảng.

Ngoài ra, xử lý những mâu thuẫn tương tự cũng cần xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong việc xử lý mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, Bác có phương châm: Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh.

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,331

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]