Lương cán bộ y tế sẽ không tăng
Trả lời câu hỏi: “Viện phí
tăng thì phần thu thêm sẽ được phân bổ, sử dụng như thế nào?” của phóng viên
VietNamNet, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế)
cho biết: Có 7 yếu tố cấu thành giá viện phí (nếu tính đúng, tính đủ).
7 yếu tố đó gồm: Chi phí lương và phụ cấp cho cán bộ y tế; Chi phí khấu hao
trang thiết bị y tế; Chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng; Chi phí đào tạo – nghiên
cứu khoa học; Chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, dịch truyền, máu; Chi phí điện
nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, xử lý vệ sinh môi trường; Chi phí duy tu
bảo dưỡng thiết bị.
Viện phí tăng nhưng lương cán bộ y tế sẽ không tăng do trong cơ cấu giá viện phí mới không tính đến chi phí tiền lương (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên) |
“Khung giá viện phí mới ban hành theo hướng tính đúng tính đủ nhưng mới chỉ tính đến 3 yếu tố cuối (là thuốc, dịch truyền, máu, vật tư; điện nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường; duy tu, bảo dưỡng thiết bị).
Vì thế, giá viện phí tăng
lần này để bù đắp những chi phí trên để bệnh viện có đủ tiền mua thuốc, vật tư,
hóa chất; đủ tiền để trả tiền điện, nước, xử lý chất thải; duy tu bảo dưỡng tài
sản (các chi phí này từ trước đến nay đều được các bệnh viện lấy từ nguồn viện
phí trực tiếp và nguồn thu BHYT để chi trả).
Bộ trưởng Bộ Y tế đã nói rất rõ: Giá viện phí mới chưa tính tiền lương, phụ cấp
nên không có chuyện điều chỉnh giá viện phí lần này đồng nghĩa với việc tăng thu
nhập cho cán bộ y tế”, ông Liên nói.
Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng cho
hay: Việc tăng viện phí sẽ tạo điều kiện giúp bệnh viện hoạt động tốt hơn, nhưng
họ không thể đảm bảo trước được rằng lương cán bộ y tế có tăng được hay không.
Lý do là vì giá viện phí
mới không tính lương của cán bộ y tế vào đó (nguồn này vẫn do ngân sách Nhà nước
đảm bảo)
Còn ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết: Từ trước đến nay, nguồn ngân sách Nhà
nước cấp cho các bệnh viện về cơ bản chỉ đủ trả tiền lương và phụ cấp cho cán bộ
y tế (nhiều bệnh viện còn chưa đủ).
Ví dụ như bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn, hiện nay mỗi năm ngân sách cấp cho bệnh
viện khoảng 30 tỷ, trong khi đó tiền chi trả lương và phụ cấp cho cán bộ y tế
của Bạch Mai mỗi năm lên tới cả trăm tỷ (phụ cấp vừa tăng do cán bộ y tế kêu quá
thấp).
Như vậy khoản ngân sách
trên chỉ đáp ứng được 7-8% nhu cầu lương cho cán bộ y tế. Do đó bệnh viện phải
lấy từ nhiều nguồn khác ngoài ngân sách để chi trả lương cho người lao động.
Còn tại những bệnh viện tuyến tỉnh mỗi năm được cấp 40-50 triệu đồng/giường
bệnh. Số này cũng chỉ đủ để trả tiền lương, phụ cấp, đóng BHYT, BHXH cho cán bộ
y tế thôi. Còn lại toàn bộ hoạt động của các bệnh viện (như chi phí vật tư, hóa
chất, điện nước, vv… đều phải dùng từ nguồn thu viện phí và BHYT).
Địa phương tự quyết
Ông Liên cũng cho biết:
Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được gửi cho UBND các tỉnh, HĐND các
tỉnh và các Bộ, ngành liên quan để phối hợp thực hiện.
Trên cơ sở khung giá mới này, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định khung giá cho các
bệnh viện trực thuộc Bộ y tế. Còn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết
định mức thu cho địa phương của mình.
Tùy vào điều kiện kinh tế xã hội riêng, từng địa phương sẽ phê duyệt khung giá viện phí phù hợp (trên cơ sở khung giá đã được quy định trong thông tư liên tịch). Ảnh minh họa: Cẩm Quyên |
“Như vậy không có nghĩa là
cứ ban hành khung giá là được thu ngay giá này. Mức thu của bệnh viện địa phương
phải do chủ tịch UBND tỉnh quyết định, tùy vào điều kiện kinh tế xã hội của từng
địa phương”, ông Liên nói.
Ngoài ra, trong quy định mới về giá viện phí có điểm mới là có những dịch vụ chỉ
có một giá (không có mức tối thiểu – tối đa như trước đây).
Theo ông Liên, mức giá duy
nhất này được coi là giá tối đa và có thể được thu thấp hơn ở từng địa phương
khác nhau, tránh tình trạng cứng nhắc gây nên khó khăn cho người bệnh.
Cẩm Quyên