Sau khi có thông tin sẽ điều chỉnh giá của hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật y tế trong năm 2012, nhiều người bệnh tham gia BHYT kỳ vọng rằng những thay đổi này không gây nhiều xáo trộn cho họ đúng như lời trấn an của lãnh đạo Bộ Y tế.
Họ cũng hi vọng chất lượng dịch vụ sẽ được nâng
cao như cam kết của Bộ Y tế. Ngoài ra, các bệnh nhân chưa có BHYT thực sự đang
lo lắng vì tăng giá nhưng họ phải tự bỏ tiền túi ra trả. Còn các bệnh viện khá
phấn khởi với thông tin này vì họ sẽ có thêm kinh phí để tái đầu tư.
Hiện nay dự thảo điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã hoàn thành với sự “thống nhất
cao” từ liên bộ Y tế - Tài chính – Lao động thương binh xã hội và BHXH Việt Nam
với mức giá thấp hơn mức đề xuất ban đầu (ở một số danh mục như tiền công khám,
tiền giường nằm, vv… mức giá mới giảm 50% so với giá đề xuất ban đầu).
Người bệnh tham gia BHYT sẽ không phải bỏ tiền túi nữa?
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc tăng giá viện phí lần này không làm ảnh hưởng
nhiều đến 53 triệu người đã có thẻ BHYT (chiếm khoảng 62% dân số cả nước).
Nguyên nhân là vì cơ chế tài chính của bệnh viện cũng thay đổi.
Thay vì hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị cung ứng dịch vụ y tế (là các bệnh viện) thì
Nhà nước sẽ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua việc mua hoặc
hỗ trợ mua thẻ BHYT để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Như vậy, mọi chi trả (theo mức giá mới) sẽ được thông qua quỹ BHYT, người bệnh
BHYT được hưởng toàn bộ mọi quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Giá viện phí là vấn đề nhạy cảm suốt thời gian qua. Sau nhiều nỗ lực, quyết tâm, Bộ Y tế cho biết khung giá mới sẽ được thực hiện trong năm 2012 và "không ảnh hưởng đến hơn 60% dân số đã có thẻ BHYT) (Ảnh minh họa: N.Anh) |
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng
ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết đây
là gốc rễ để loại bỏ các “phụ phí”, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, không để
tình trạng bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trả cho phần chênh lệch giá chưa được
cập nhật.
Theo lý giải của ông Sơn thì nếu trước đây, người bệnh sử dụng một dịch vụ y tế
có giá 10 đồng thì quỹ BHYT chỉ thanh toán cho họ 3 đồng (trả thẳng cho bệnh
viện), 7 đồng còn lại bệnh nhân phải tự trả.
Nguyên nhân là vì khung giá dịch vụ y tế được ban hành từ năm 1995 quy định chỉ
thanh toán 3 đồng cho dịch vụ đó mà thôi. Nay nếu được điều chỉnh và khung giá
mới sát thực tế hơn thì bệnh nhân không còn phải trả 7 đồng kia nữa. Mọi thanh
toán đều do quỹ BHYT chi trả (người dân chỉ phải trả phần đồng chi trả từ 5 đến
20% theo quy định”.
Theo ông Sơn thì giá viện phí lần này được xây dựng trên những cơ sở thực tiễn
từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất giá của các BV đa khoa
chuyên đầu ngành ở Trung ương như trước đây. Chính vì thế, danh mục giá viện phí
lần này nhận được sự đồng thuận của liên bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,
LĐ-TB-XH.
Bệnh nhân băn khoăn, bệnh viện mừng
Tuy nhiên, điều người dân tham gia BHYT lo lắng là liệu với mức giá mới, quỹ
BHYT có đủ sức kham nổi hay không? Nếu không thì tất yếu phí tham gia BHYT sẽ
tăng và họ sẽ phải chi thêm một khoản.
Về điều này, lo lắng của người dân là có cơ sở (nhất là trong bối cảnh đời sống
khó khăn như hiện nay). Lãnh đạo BHXHVN cũng khẳng định khung giá mới có thể
khiến quỹ BHYT bị âm từ 6.000 – 7.000 tỷ đồng/năm.
Do đó, BHXHVN đang đề xuất nâng mức phí tham gia BHYT từ 4,5%/tháng lương tối thiểu lên mức 5% để đảm bảo quỹ BHYT cân đối được khả năng chi trả. Theo đánh giá của BHXHVN thì mức tăng này (từ 4,5% lên 5%/tháng lương tối thiểu) là không nhiều.
Đến thời điểm này, tăng viện phí là điều khó tránh khỏi. Người bệnh kỳ vọng nhiều vào những cam kết mà Bộ Y tế đưa ra (Ảnh minh họa: N.Anh) |
Trong khi các bệnh nhân
BHYT còn nhiều lo ngại và kỳ vọng rằng việc tăng giá viện phí sẽ không gây ra
nhiều xáo trộn thì các bệnh viện cho biết họ khá phấn khởi với thông tin này (dù
mức giá mới trong dự thảo chưa thực sự phản ánh đúng mức giá thực tế).
Theo lãnh đạo một số bệnh viện tuyến TW trên địa bàn Hà Nội thì việc tăng viện
phí lần này vừa có lợi cho người bệnh BHYT (như giải thích của phía BHXHVN), vừa
giúp bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư vào cơ sở vật chất, nhân lực
nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ bệnh nhân.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân thông qua cổng thông tin điện tử
Chính phủ ngày 7/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong
số 220 dịch vụ được rà soát điều chỉnh sẽ có khoảng 70% dịch vụ tăng giá dưới 5
lần.
“Với mức tăng này, giá dịch
vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn”, bà Tiến khẳng định.
Gánh nặng cho bệnh nhân chưa tham gia BHYT
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc tăng giá viện phí lần này không làm ảnh hưởng
nhiều đến 53 triệu người đã có thẻ BHYT (chiếm khoảng 62% dân số cả nước).
Tuy nhiên, khoảng 38% dân
số còn lại chưa có thẻ BHYT đều là đối tượng khó khăn. Họ đang đứng trước nguy
cơ không thể chi trả nếu phải đi viện trong bối cảnh viện phí tăng cao như dự
kiến.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam)
cho biết: Con số gần 40% dân số chưa có thẻ BHYT (do chưa tham gia BHYT) đều là
những hộ cận nghèo, chủ yếu là nông dân, người lao động tự do – tựu chung là
những người có thu nhập rất thấp và không ổn định, nguy cơ mắc bệnh (bệnh nặng)
thường là cao.
“Vì thế, làm sao phải nhanh chóng mở rộng độ bao phủ của BHYT để người dân có
thể tiếp cận với BHYT, đảm bảo không gặp nhiều khó khăn khi tăng viện phí”, ông
Thảo đưa ra hướng tháo gỡ.
Tuy giải pháp này là tất yếu, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra, nhưng triển khai thực hiện
lại không phải chuyện đơn giản.
Ông Thảo cho biết, theo lộ trình đã tính toán từ trước thì đến năm 2014 sẽ hoàn
thành lộ trình BHYT toàn dân (100% dân số tham gia BHYT).
Tuy nhiên, căn cứ vào tình
hình thực tế, ông Thảo kỳ vọng con số tham gia BHYT là 75% vào năm 2015.
Như vậy, trong vòng vài năm tới vẫn còn khoảng 1/4 dân số chưa có thẻ BHYT (đại
đa số là người thu nhập thấp, nghề nghiệp không ổn định).
Điểm khó khăn nhất khi triển khai lộ trình BHYT toàn dân là người dân không mặn
mà với BHYT. Mặc dù Bộ Y tế luôn khẳng định quyền lợi của người bệnh tham gia
BHYT đã được nới rộng rất nhiều so với trước đây nhưng trên thực tế, danh mục
thuốc thanh toán của BHYT còn bị hạn chế, trần thanh toán bị khống chế ở mức
thấp (tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu), người bệnh phải chờ đợi lâu,
thủ tục rườm rà, bị phân biệt đối xử, vv …
N.Anh