11/08/2011 18:30 PM

Nhắc về đồng đội, đại tá Phan Văn Chỉnh - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Ninh Thuận không ngớt lời khen ngợi đại úy Trần Bình, Đội phó Đội truy nã.

Anh là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hai năm liền, là tấm gương mẫu mực của lực lượng cảnh sát hình sự công an (CA) tỉnh. 

KHUẤT PHỤC HUNG THỦ Ở TẬN ĐẤT MŨI

Đêm 25-3-2010, tại thôn Lập Lá, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn xảy ra một vụ án giết người. Nhận tin báo của công an huyện, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội lập tức có mặt tại hiện trường. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Huế (SN 1977, hộ khẩu tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đến Ninh Thuận bán quán được vài năm. Đối tượng được công an xác định là Phạm Bá Thu (SN 1963, quê quán huyện Thọ Lộc, Thanh Hóa).

Đại tá Phan Văn Chỉnh

Gây án xong, Thu bỏ trốn vào nhà anh Trương Văn Thư, ở ngã ba Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Sau đó ba ngày, kẻ thủ ác đón xe về quê đến tá túc tại nhà cậu ruột ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ở nhà cậu được một tháng, kẻ giết người bỏ vào Nam.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định Thu vừa xuất hiện tại thôn Tân Thành mới, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, Cà Mau. Trần Bình và một đồng đội lập tức truy tìm hung thủ.

Đại úy Trần Bình

Tại dải đất cuối cùng của đất nước, tổ truy xét gặp rất nhiều người dân các tỉnh phía Bắc sinh sống tại địa phương, nhưng thông tin về Phạm Bá Thu vẫn “bóng chim tăm cá”. Không nản lòng, Trần Bình mở rộng địa bàn xung quanh. Tại ấp Lô Giáng, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, Trần Bình phát hiện cô giáo Nguyễn Thị T. dạy tại Trường tiểu học Đất Mới là người ở huyện Thọ Lộc, Thanh Hóa. Xác minh mối quan hệ của cô T., anh biết được cô có chồng là Phạm Bá Thu (SN 1967, ở xã Thạnh Lộc, huyện Thọ Lộc, Thanh Hóa). Tìm hiểu thêm, Trần Bình được người dân cung cấp một thông tin hết sức quan trọng là Thu thường đi làm thuê với một người đàn ông lạ mặt. Kế hoạch đón lõng đối tượng được triển khai.

Đêm 3-6-2010, phát hiện trong nhà cô T. có hai gã đàn ông có nhân dạng như người dân mô tả, Trần Bình và đồng nghiệp cặp ghe, áp sát căn nhà, khống chế hai người đàn ông đang nhậu. Vị khách lạ nói: “Tui tên là Nguyễn Văn Hùng, SN 1957, tại TPHCM”. Liếc qua chồng cô giáo T., Trần Bình thấy Thu rất giống với nhân dạng đối tượng giết người nên anh hỏi y tên gì. Vẻ mặt bỗng dưng tái nhợt, Thu ấp úng nói: “Tui... tên... Bảy”. Trước những câu hỏi sắc lạnh, Thu phải cúi đầu nhận tội. Hắn không ngờ đã bỏ trốn vào nơi cùng trời cuối đất nhưng vẫn bị công an tìm ra.

Đêm trở gió, mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc tối đen như mực. Trần Bình và cộng sự đưa tên giết người về trụ sở công an xã chờ sáng hôm sau di lý về Ninh Thuận. Đồng hồ lúc này chỉ 12 giờ đêm, Trần Bình đã mất nửa tháng mới tóm gọn được hung thủ. Bụng đói cồn cào, anh cùng đồng đội chỉ kịp ăn mì gói cầm hơi rồi ngả người trên hai chiếc ghế nhựa, đi vào giấc ngủ say.

VẬT CHỨNG MONG MANH

Một đêm đầu tháng 9-2004, tại thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải xảy ra vụ trọng án. Gây án xong, hung thủ Lê Văn Hiệp và em ruột bỏ trốn khỏi địa bàn. Bằng biện pháp nghiệp vụ, Trần Bình đã xác định em ruột tên Hiệp hiện ở xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ngay trong đêm, anh lên đường vào Lâm Đồng.

Hai đối tượng phạm tội bị bắt

Qua đấu tranh khai thác từ em của Hiệp, Trần Bình phát hiện Hiệp đang ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tại vùng đất mới, y đã có vợ con, đổi tên và nghĩ là công an sẽ không thể lần theo dấu tích của hắn. Thế nhưng, Hiệp đã lầm. Y bị bắt sau khi dùng bữa cơm trưa cuối cùng với vợ con vào đầu năm 2010.

Năm 2009, trong thời gian theo học lớp điều tra viên trung cấp tại Đồng Nai, Trần Bình vẫn bắt được tội phạm nguy hiểm. Nguyên do là từ năm 2006, tên Nguyễn Khắc Hiếu, không có hộ khẩu, không cha mẹ đã liên tiếp gây án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Sau đó, y bỏ trốn vào phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM. Phải rất khó khăn, Trần Bình mới xác định được nơi trú ngụ của gã, bắt Hiếu khi hắn còn ngái ngủ.

Sau khi Hiếu sa lưới, Trần Bình lại lên Tây Ninh tầm nã Nguyễn Tuấn Thanh (SN 1970, tại Ninh Thuận). Anh chỉ biết đối tượng đã bán nhà vào sinh sống tại P3, TX. Tây Ninh, đặc điểm nhận dạng về y rất mơ hồ. Từ đầu mối thông tin mong manh này, sau nhiều ngày ở TX. Tây Ninh, Trần Bình phát hiện Thanh đang phụ bán quán nhậu. Anh đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để Thanh xuất hiện, ngoan ngoãn tra tay vào còng.

Trần Bình cho rằng, thành tích trong việc truy bắt những tên tội phạm khét tiếng vừa qua là công sức của tập thể cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CA tỉnh Bình Thuận.

Còn đại tá Chỉnh - vị “tổng chỉ huy” của Cảnh sát hình sự miền gió cát - tâm sự: “Tội phạm hiện nay rất manh động, nhiều tên lưu manh còn hiểu rành luật pháp nên người lính hình sự đứng trước nhiều thách thức. Họ cần phải thông minh, mưu trí và dũng cảm trong công tác đấu tranh. Có như thế, cuộc chiến chống tội phạm mới đạt kết quả”. 

Theo AN HÒA - GIA MINH (CATP)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,599

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]