Những ý kiến khác nhau về dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT quy định nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp ĐH có phải chỉ là thói quen suy nghĩ chưa kịp thích ứng với xu thế chung của thế giới? PGS.TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - đã trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này.
* Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH đang thu hút sự quan tâm, trong đó có những ý kiến phản đối khi phần "xếp loại" trên văn bằng và thông tin phân biệt bằng chính quy, không chính quy được bỏ. Những căn cứ pháp lý và thực tiễn để Bộ GD-ĐT có những điều chỉnh này là gì, thưa ông?
- Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH quy định bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng. Như vậy, luật cũng quy định người tốt nghiệp ĐH sẽ được cấp bằng và phụ lục văn bằng.
Vì thế, cần khẳng định là không phải bỏ xếp loại tốt nghiệp mà là chuyển các thông tin này từ việc ghi trên bằng sang ghi trên phụ lục văn bằng để cụ thể, chi tiết và đầy đủ hơn.
Trong quá trình dự thảo các thông tư liên quan tới quản lý và quy định nội dung trên bằng tốt nghiệp, ban soạn thảo của Bộ GD-ĐT cũng tham khảo văn bằng của trên 20 quốc gia. Việc cấp văn bằng cùng phụ lục văn bằng là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh của Bộ GD-ĐT nhằm thuận lợi cho việc công nhận văn bằng giữa Việt Nam với các quốc gia khác, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam.
Căn cứ pháp lý và thực tiễn trên, Bộ GD-ĐT dự thảo hai thông tư liên quan tới việc cấp bằng, phụ lục văn bằng. Nội dung cụ thể ghi trên phụ lục văn bằng được quy định tại thông tư ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp các cấp từ THCS đến ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân - đang chuẩn bị ban hành.
* Nhiều ý kiến lo ngại việc bỏ "xếp loại" trên bằng tốt nghiệp ĐH sẽ giảm động lực học tập, cố gắng của sinh viên khi tất cả chỉ được nhận bằng "đồng hạng"...
- Những ý kiến lo ngại đều xuất phát từ thói quen "xếp loại" bằng cấp ở Việt Nam xưa nay. Tôi cho rằng sẽ không có việc sinh viên giảm động lực học tập vì bằng được cấp cùng với phụ lục văn bằng. Khi người tốt nghiệp ĐH đi tìm việc làm cũng sẽ trình đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.
So với việc ghi "xếp loại" trước đây trên bằng tốt nghiệp thì thông tin ở phụ lục văn bằng còn đầy đủ, chi tiết hơn, cung cấp thông tin đầy đủ hơn về khóa đào tạo, do vậy tạo thuận lợi hơn cho các nhà tuyển dụng.
* Cụ thể thông tin ở phụ lục văn bằng gồm những gì, thưa ông?
- Ngoài thông tin cá nhân, phụ lục văn bằng sẽ có thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng gồm tên cơ sở giáo dục ĐH, ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, nơi tổ chức đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo.
Phụ lục văn bằng cũng có đầy đủ thông tin về kết quả học tập, tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy. Trên phụ lục văn bằng cũng có thông tin điểm trung bình, tên luận văn, kết quả luận văn (nếu có), điểm xếp loại tốt nghiệp.
Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học và số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.
Với những thông tin như thế này, các đơn vị tuyển dụng hoàn toàn có đủ căn cứ sàng lọc trong quá trình xét hồ sơ tuyển dụng. Và như vậy, để có cơ hội có việc làm, người học vẫn cần cố gắng.
Chưa kể trong tương lai, nhiều đơn vị tuyển dụng lao động sẽ căn cứ nhiều hơn ở năng lực, thái độ thể hiện qua phỏng vấn, qua thực hành ở các vị trí công việc khác nhau chứ không chỉ nhìn vào tấm bằng giỏi, khá hay trung bình.
Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản pháp luật. Ngoài lắng nghe dư luận xã hội khi dự thảo được công bố công khai, Bộ GD-ĐT cũng tiếp thu ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, nhà giáo... Các ý kiến phù hợp sẽ được phân tích, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo.
* TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT): Nên đóng dấu đảm bảo chất lượng vào bằng tốt nghiệp
Để nhận được văn bằng tương xứng với trình độ, ngoài nỗ lực của cá nhân người học thì việc đảm bảo chất lượng đào tạo của phía nhà trường là tối cần thiết. Điều này liên quan từ việc phát triển chương trình đào tạo, triển khai thực hiện, phương pháp dạy, đo lường đánh giá khách quan và các biện pháp đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường với mỗi chương trình. Ngoài ra phải được đánh giá ngoài và công nhận chương trình đã được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định có thẩm quyền. Khi đó, văn bằng được "đóng dấu chương trình đã được kiểm định" (khách quan) thì ý nghĩa sẽ lớn hơn rất nhiều. Việc này vừa có sự đảm bảo của bên thứ ba, vừa làm rõ hơn sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH. (TRẦN HUỲNH ghi) |
* TS Lê Viết Khuyến (trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam): Cần có điều kiện đảm bảo để thực thi luật an toàn
Việc không ghi hình thức đào tạo (chính quy, tại chức) trên văn bằng là đi theo thông lệ chung quốc tế. Trong điều kiện hội nhập thì việc áp dụng theo thông lệ chung là cần. Nhưng tôi cho rằng ta học hỏi cái hay trên thế giới nhưng cũng phải tính đến thực thi ở Việt Nam như thế nào để an toàn, không tạo kẽ hở cho tiêu cực. Muốn như vậy thì phải có những điều kiện đảm bảo đi kèm. Về nguyên tắc, việc không phân biệt bằng chính quy hay tại chức thì các hình thức đào tạo phải đảm bảo điều kiện cùng xuất phát từ khung trình độ quốc gia, đạt chuẩn về chất lượng... Nếu việc này được quy định rõ ràng, cụ thể, thực hiện nghiêm túc thì người dân mới có thể tin tưởng. Tương tự, việc bỏ xếp loại trên văn bằng, nhiều quốc gia đều làm thế vì người ta quan niệm hồ sơ học tập của mỗi người còn quan trọng hơn văn bằng. Ở nhiều nước, hồ sơ đó không giao cho người học mà sẽ được chuyển thẳng từ cơ sở đào tạo đến cơ sở tuyển dụng lao động (khi có yêu cầu); hoặc chuyển từ cơ sở tuyển dụng lao động này sang cơ sở tuyển dụng lao động khác khi người lao động có điều chỉnh về công việc. Cách quản lý chặt chẽ như thế đảm bảo sự tin cậy về thông tin trên hồ sơ. Chúng ta muốn thực hiện như họ thì quy trình đào tạo, hồ sơ của người học phải đảm bảo được quản lý chặt chẽ, minh bạch. Nên tránh tình trạng học hỏi nước ngoài nhưng làm không đến nơi đến chốn thì lợi bất cập hại. * ThS Đinh Việt Hải (Trung tâm khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội): Xếp loại trên văn bằng là phạm trù lịch sử
Những tranh cãi xung quanh dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT về quy định nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp ĐH cho thấy còn có quan niệm đồng nhất văn bằng và năng lực. Thực chất những quy định mới trong dự thảo thông tư không phải việc gì mới mẻ. Ở đây, vấn đề cần nhận thức đầy đủ là cùng với văn bằng còn có bảng điểm, các chứng chỉ kèm theo chứ không phải chỉ có một tấm bằng. Vậy có cần thiết phải ghi trên văn bằng hạng tốt nghiệp hay không? Văn bằng là sự ghi nhận về một nghề nghiệp được đào tạo - thuộc phạm trù vĩnh viễn. Còn hạng tốt nghiệp, loại giỏi, khá hay trung bình nếu ghi trên bằng thì chỉ là phạm trù lịch sử, có ý nghĩa ở thời điểm nhận bằng, phản ánh năng lực của chủ nhân văn bằng. Nói cách khác, xếp hạng có tính thời điểm. Nếu xem xếp hạng tương đương với năng lực thì việc "xếp hạng" này sẽ có những thay đổi theo thời gian. "Học tập suốt đời" là triết lý nền tảng, năng lực học tập suốt đời là một mục tiêu mà giáo dục đích thực đang theo đuổi để mỗi người không ngừng nâng cao năng lực của bản thân, thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động. Vậy thì cớ gì lại ấn định việc "xếp hạng năng lực" trên một văn bằng mang ý nghĩa vĩnh viễn? |