Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu phí tại trạm Trung Lương đặt trên quốc lộ 1 thuộc thành phố Tân An (Long An).
Mức phí này được đề xuất cao hơn 1,5 lần so với các trạm thu phí nhà nước đang thực hiện. Cụ thể, xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt vận tải khách công cộng phải nộp 15.000 đồng một lượt; xe 12-30 chỗ, xe tải 2-4 tấn nộp 22.000 đồng; Xe từ 31 chỗ và xe có tải trọng 4-10 tấn phải nộp 30.000 đồng; xe tải 10-18 tấn và xe container 20 feet đóng phí 50.000 đồng. Mức phí cao nhất 100.000 đồng áp dụng cho xe có tải trọng từ 18 tấn và xe container 40 feet.
Sắp tới, các phương tiện qua quốc lộ 1A đoạn Bình Chánh - Trung Lương sẽ phải đóng phí từ 15.000-100.000 mỗi lượt để hoàn vốn cho cao tốc TP HCM - Trung Lương và điều phối giao thông. Ảnh: H.C. |
Theo thống kê của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM, chủ đầu tư đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), trước đây lưu lượng ôtô trên Quốc lộ 1 khoảng 7.000 xe một ngày đêm, song từ khi thu phí cao tốc Trung Lương, lưu lượng xe tăng gấp đôi. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường trên Quốc lộ 1.
Trước đó, ngày 25/2, cao tốc TP HCM - Trung Lương bắt đầu thu phí với mức thấp nhất là 40.000 đồng và cao nhất là 320.000 đồng. Sau một thời gian thu phí, lượng xe qua cao tốc giảm đến gần 50%, xe tải và container chuyển sang đi Quốc lộ 1A để "né" việc đóng phí. Mức phí này cũng đã bị Hiệp hội doanh nghiệp vận tải TP HCM phản ứng và kiến nghị giảm 50% vì bị cho là thiếu công bằng và chưa linh hoạt.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định, phải lập trạm thu phí trên quốc lộ 1A để điều phối giao thông giữa quốc lộ 1A và cao tốc, đồng thời hoàn vốn cho cao tốc Trung Lương và đề án lập trạm thu phí này đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hữu Công