Bệnh viện tuyến trên chữa bệnh nhẹ sẽ bị phạt

29/03/2012 21:51 PM

TT - Đó là ý kiến của ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề siết chặt chuyển viện. Ông Khuê nói:

Ông Lương Ngọc Khuê - Ảnh: L.Anh

"Tới đây, khi quy định viện phí mới chính thức áp dụng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đôn đốc bệnh viện đẩy nhanh quá trình nâng chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh viện có hướng dẫn người bệnh, có chỗ ngồi đợi cho người bệnh, người nhà... Các bệnh viện cùng nỗ lực, cùng năng động thì bệnh nhân sẽ có cơ hội nhận được dịch vụ tốt ở ngay nơi gần họ."

Ông Lương Ngọc Khuê

- Bệnh không phải là bệnh của tỉnh, của huyện, của xã mà bắt buộc phải chữa ở tỉnh, ở huyện, ở xã. Vấn đề là trình độ kỹ thuật của hạng bệnh viện. Bệnh viện hạng 1 làm gì, hạng đặc biệt làm gì căn cứ vào trình độ và cơ sở vật chất, các chuyên gia đã xây dựng phân tuyến kỹ thuật. Tất nhiên bệnh viện tỉnh vẫn có thể được phân tuyến tương đương bệnh viện hạng 1 vốn là hạng của bệnh viện trung ương, bệnh viện huyện cũng có thể được phân tuyến tương đương hạng 2 để nâng cấp khả năng khám chữa bệnh của cơ sở y tế.

Thực tế chuyện bệnh viện tuyến trên làm quá nhiều việc mà bệnh viện tuyến dưới làm được, gây nên tình trạng quá tải, nằm giường ghép, đó là chưa kể không có thời gian dành cho nghiên cứu. Vì vậy, bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng chế tài với lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phòng tiếp nhận bệnh nhân không sàng lọc; bệnh nhẹ, tuyến dưới cũng chữa được mà cứ cho nhập viện sẽ bị phạt.

* Luật bảo hiểm y tế, Luật khám chữa bệnh đều quy định người dân có quyền tiếp cận cơ sở y tế mà họ muốn. Nếu Bộ Y tế quy định bệnh này ở tuyến dưới, bệnh kia ở tuyến trên, liệu như vậy có hạn chế quyền của người bệnh?

- Không phải là mình siết, mà là tỉ lệ hợp lý. Chúng tôi không quy định rõ bệnh này chỉ được vào bệnh viện tỉnh hay bệnh viện huyện, nhưng bệnh viện tuyến trên cũng không được “vơ bèo vạt tép”, bệnh gì cũng chữa. “Tỉ lệ hợp lý” sẽ còn được nghiên cứu thêm, nhưng có thể là bệnh viện hạng 1 không làm quá 20-30% kỹ thuật của bệnh viện hạng 2.

* Một cái khó với bệnh viện địa phương là nhân lực và thiết bị đều rất thiếu thốn, không đảm bảo khả năng chăm sóc người bệnh...

- Đúng là có những bệnh viện tuyến dưới rất thiếu cán bộ, thiếu thiết bị y tế, như Bệnh viện huyện Lâm Thao (Phú Thọ) mà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mới đi thăm. Bệnh viện này chỉ cách TP Việt Trì hơn 10km, nhưng 11 năm nay chưa tuyển được bác sĩ chính quy nào. Nhưng cũng có bệnh viện như Bệnh viện huyện Hải Hậu (Nam Định), đây là bệnh viện năng động, sáng tạo và được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, nên tỉ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên rất ít, chỉ dưới 10%. Gần đây, nhờ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nhiều bệnh viện huyện đã được đầu tư về cơ sở vật chất, nhưng điều quan trọng là có nhân lực và thật sự năng động thì chưa phải ở đâu cũng có.

* Bộ Y tế có nói trách nhiệm đào tạo nhân lực là của ngành y tế. Vậy vì sao trách nhiệm này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, nhân lực y tế vẫn rất thiếu?

- Trong những năm qua, ngành y tế đã có ý thức thực hiện trách nhiệm này. Đưa thầy thuốc tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (chương trình 1816), đi luân phiên luân chuyển từ trung ương về tỉnh, tỉnh về huyện, huyện về xã để giảm quá tải, tăng chất lượng khám chữa bệnh cũng là đào tạo nhân lực. Ngoài đào tạo tại các trường đại học y dược, Vụ Khoa học đào tạo đã xây dựng chương trình đào tạo lại để nâng cao tay nghề.

Bộ Y tế cũng đã thành lập 22 cơ sở chỉ đạo tuyến ở các bệnh viện đầu ngành để giúp đào tạo cho tuyến dưới, đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1-2 cho các bác sĩ ở huyện, tỉnh. Ở vùng sâu vùng xa thực hiện đào tạo bác sĩ cử tuyển, hoặc y sĩ học thêm bốn năm để thành bác sĩ. Thi vào trường đại học y phải  27-28 điểm mới đỗ, học xong sáu năm không mấy ai chịu về xã vùng sâu vùng xa làm. Vì thế mới phải đào tạo người tại chỗ. Còn cơ sở vật chất cho bệnh viện, các địa phương đều có kinh phí và được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tất cả phải cùng nỗ lực mới cung cấp dịch vụ y tế tốt được.

* Quay trở lại yêu cầu “siết chuyển tuyến” đang gây chú ý dư luận, theo ông, làm thế nào để vừa đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế tốt, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên?

- Hướng tới đây, Bộ Y tế sẽ xây dựng một thông tư hướng dẫn về chuyển tuyến và phân tuyến kỹ thuật. Quan điểm của bộ trưởng Bộ Y tế là bệnh viện ở tuyến nào cũng phải cố gắng thực hiện kỹ thuật theo quy định. Hiện đang có hiện tượng bệnh nhân vượt tuyến lên tuyến trên, tuyến này giữ lại điều trị tất cả, kể cả những loại bệnh không thuộc chức năng nhiệm vụ của mình. Như tôi đã nói, không có bệnh của tỉnh, của huyện, của xã, mà việc phân tuyến tính theo trình độ kỹ thuật của hạng bệnh viện.

LAN ANH thực hiện

TS Nguyễn Cao Luận (nguyên trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Không vượt tuyến, bệnh nhân có thể chết

Siết chặt việc chuyển tuyến là cần thiết phải triển khai ngay để giảm quá tải. Khoa thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai đang bị quá tải trầm trọng, hơn 80 máy chạy thận của bệnh viện phải tăng ca tối đa, 4-5 ca/ngày, chạy liên tục từ 6g30 đến... 3g sáng hôm sau.

Nhưng hiện mạng lưới triển khai chạy thận nhân tạo tại các tỉnh còn quá mỏng. Nếu bảo siết chặt không vượt tuyến, bệnh nhân không có chỗ điều trị, làm sao có thể sống nổi?

Tại một số tỉnh như Nam Định, Bắc Giang... đã triển khai máy chạy thận nhân tạo nhưng cũng chẳng đáp ứng bao nhiêu, vì việc đầu tư máy móc, triển khai thiết bị ở địa phương đang khiến nhiều nơi bị lỗ nặng, y tế cơ sở không thể gánh nổi. Các thiết bị phục vụ điều trị đều phải nhập ngoại dù điều trị ở tỉnh hay trung ương, nhưng hiện cơ chế chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở nhiều địa phương thấp hơn nhiều so với trung ương, khiến các bệnh viện cơ sở không mặn mà điều trị.

Cho nên, nói siết chặt chuyển tuyến trên nhưng cơ chế và thiết bị y tế hiện tại của cơ sở lại không khả thi. Giải pháp quan trọng là đầu tư một cách đồng đều, bảo hiểm chi trả sòng phẳng cho đơn vị điều trị chạy thận nhân tạo ở tỉnh và trung ương như nhau. Như vậy y tế địa phương mới có trách nhiệm thật sự với người bệnh, tránh việc vượt tuyến bất đắc dĩ và rất tốn kém như hiện nay.

Ngọc Hà ghi

Tạo thuận lợi cho bệnh nhân chuyển viện

Trao đổi về chủ trương siết chặt quy chế chuyển viện, ông Lê Hùng Dũng - bác sĩ chuyên khoa 2, nguyên giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - nói:

- Không phải đến bây giờ câu chuyện quá tải bệnh viện mới được xới lên, nhiều đời bộ trưởng Bộ Y tế trước Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đặt ra, cũng đầy quyết tâm giải quyết nhưng kết quả không như mong muốn. Lần này cũng thế, những đề xuất của Bộ trưởng Tiến chỉ là giải pháp tình thế, là quyết tâm chính trị của ngành, chưa phải là giải pháp căn cơ lâu dài để giảm tải các bệnh viện.

* Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có đặt vấn đề một trong những nguyên nhân quá tải tuyến trên là việc chuyển viện tuyến dưới lên tuyến trên quá dễ dãi...

- Tôi cho rằng quy chế chuyển viện thời gian qua không phải là nguyên nhân cơ bản làm các bệnh viện tuyến trên quá tải. Nguyên nhân chính là một thời gian dài ngành y tế của chúng ta chỉ chú trọng đầu tư hệ thống bệnh viện từ trung ương đến tỉnh thành, xem nhẹ đầu tư vào lĩnh vực y tế dự phòng cơ sở. Không đầu tư thỏa đáng khâu này thì dịch bệnh bùng phát và quá tải là đương nhiên. Riêng về quy chế chuyển viện, hồi tôi còn làm giám đốc sở y tế, tôi đã yêu cầu các bệnh viện phải tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân chuyển viện, khi chuyển viện thì bệnh viện cần liên hệ và báo với bệnh viện tuyến trên biết để họ chủ động tiếp nhận bệnh nhân. Quy chế thoáng như vậy là tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, tốt cho người bệnh và cũng tốt cho bệnh viện trong chăm sóc điều trị.

* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng quá tải các bệnh viện tuyến trên là do người dân mất niềm tin ở tuyến dưới?

- Đúng là trong thời gian qua ở ĐBSCL có tình trạng một số cơ sở y tế có sai sót trong nghề nghiệp khiến người bệnh mất niềm tin. Ngay như ở Cần Thơ cũng xảy ra một vài vụ, nhưng chúng tôi đã chỉ đạo bệnh viện xem xét các sai sót ấy do chủ quan, trình độ tay nghề của bác sĩ hoặc do tai biến bệnh lý, từ đó kiểm điểm xử lý và rút kinh nghiệm chung các bệnh viện khác trong toàn thành phố. Hiện các bệnh viện đã chấn chỉnh rất tốt.

H.T.Dũng thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,788

Chính sách mới

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]