26/03/2012 08:20 AM

Trước đề xuất thu phí lưu hành đối với phương tiện cá nhân tham gia giao thông, nhiều chủ trang trại, nông dân - những người dùng ô tô, xe máy phục vụ sản xuất không khỏi choáng váng...

Nóng từ miền Trung...

Mấy ngày nay, câu chuyện mà nông dân miền Trung bàn tán nhiều nhất, sau chuyện giá xăng tăng là việc thu phí lưu hành ô tô, xe máy. Ông Diệp Thành Niên – chủ trang trại trồng xoài ở Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết, năm 2011, tiết kiệm từ tiền lãi thu hoạch xoài, gia đình ông mua được một chiếc ô tô 5 chỗ.

Nông dân Lâm Quang Dự và chiếc ôtô sắp trở thành “gánh nặng” vì chịu nhiều loại phí. 

Tiền không nhiều, lại sợ tốn xăng nên ông chỉ dám mua chiếc xe cũ, trị giá 110 triệu đồng. Sử dụng ô tô, ông mới thấy hết ý nghĩa của chủ trương “công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”. Thay vì cả gia đình đi từ chỗ ở đến trang trại bằng 3-4 chiếc xe máy để làm việc thì nay chiếc ô tô này có thể chở một chuyến cả người lẫn công cụ lao động, phân, thuốc “gọn ơ”, vừa an toàn vừa hiệu quả.

Ông Niên nói: “Mức thu phí đề xuất của Bộ GTVT cao đến phi lý. Cái ô tô cũ của tôi trị giá 110 triệu đồng, giả sử phải đóng với mức thấp nhất là 20 triệu đồng một năm thì trong vòng 5 năm là mất toi cái xe. Loại phí này được áp dụng nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng đối với chủ trang trại sống ở nội thành mà làm việc ở trang trại vùng ngoại thành như chúng tôi thì kiếm đâu ra xe buýt mà đi”.

Còn ông Vũ Bá Thuyên (51 Lê Đại Hành, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) - chủ trang trại nuôi tôm 40ha - chia sẻ: Mức thu và cách thu rất phi lý và thiếu công bằng. Nhà tôi ở nội đô phải dùng ô tô di chuyển ra ngoại thành, nơi có trang trại để làm việc. Trang trại của tôi cách thành phố 12 cây số, trạm xe buýt cuối cùng cách trang trại hơn 5 cây số, nếu không dùng ô tô riêng thì đi lại bằng gì? Tôi cho rằng cách thu phí qua giá xăng như đang làm hợp lý và công bằng hơn.

... Lên Tây Nguyên

Tại Tây Nguyên, chuyện thu phí cũng đang trở nên nóng bỏng. Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Trọng Hải (ở xã Tâm Thắng, Cư Jút, Đăk Nông) vẫn sử dụng xe tải 1,5 tấn để vận chuyển phân bón, máy bơm, ống nước chăm sóc cà phê và chở sản phẩm đi bán. Qua theo dõi báo đài, ông biết sắp tới chiếc xe tải nhỏ của ông phải nộp Quỹ Bảo trì đường bộ 180.000 đồng mỗi tháng.

Theo Bộ GTVT, tính đến 31.10.2011 có 612.691 xe chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân, tương ứng với chủ phương tiện chiếm 0,77% dân số cả nước. Các xe này phần lớn sử dụng cho mục đích cá nhân, tuy một số xe hoạt động vận tải taxi nhưng khối lượng vận chuyển không lớn. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho rằng, phí hạn chế phương tiện cũng sẽ tạo nên tác động tiêu cực là một số cá nhân phải chịu thêm các khoản phí.

Ông Hải nói: “So với xe tải của người bán vật liệu xây dựng, xe tải chở hàng thuê thì chúng tôi sử dụng rất ít, mỗi năm chỉ vài trăm cây số. Chủ yếu tôi chạy đường đất, đoạn nào hư hỏng thì chúng tôi tự sửa chữa lấy. Hơn nữa xe ở nông thôn, phục vụ sản xuất trong ruộng rẫy nên cũng không gây ùn tắc, không cần phải hạn chế”.

Ông Lâm Quang Dự (thôn Liên Cơ, xã Hòa Đông, Krông Păk, Đăk Lăk) năm nay đã gần 60 tuổi, lại làm rẫy cách nhà gần 100 cây số. Xa như vậy nên ông không đi xe máy được, còn xe khách thì quá bất tiện nên buộc lòng phải mua chiếc Ford Everst đi làm chứ không phải giải quyết khâu oai.

Ngoài đi rẫy, thỉnh thoảng ông mới có dịp đánh xe ra đường để đi mua sắm, khám chữa bệnh, dự đám cưới...

“Chủ trương đánh đồng tất cả, thu phí trên đầu phương tiện như vậy là không phản ánh được mức độ sử dụng, ảnh hưởng của từng phương tiện đến hạ tầng giao thông, nguy cơ ùn tắc" - ông Dự bức xúc.

Nhiều người trồng cà phê còn cho rằng, thu phí phương tiện của nông dân để bảo trì đường bộ, hạn chế ùn tắc là không có tác dụng gì. Mặt khác, hạn chế phương tiện của nông dân tức là... hạn chế sản xuất.

Theo Dân Việt

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,425

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]