11/04/2012 08:20 AM

Sáng 10/4, thảo luận về việc xử lý tài sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn ra trường hợp đua xe trái phép dẫn đến chết người và đặt câu hỏi liệu có nên tịch thu xe?

Thảo luận về dự luật xử lý vi phạm hành chính, mặc dù còn để ngỏ hai phương án về mức trần xử phạt (1 hoặc 2 tỷ đồng so với 500 triệu hiện nay), song các ủy viên Thường vụ Quốc hội đều nhất trí tăng xử phạt tiền. Riêng trường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chọn phương án phạt tiền đến 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức. Cơ quan này cho rằng, sở dĩ mức phạt với tổ chức cao gấp đôi cá nhân vì tổ chức không bị xử lý hình sự.

Đối với tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, các đại biểu vẫn chưa thống nhất việc xử lý là trả phương tiện cho chủ sở hữu hay tịch thu. Dẫn ra trường hợp đua xe trái phép nguy hiểm dẫn đến chết người, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn liệu có nên tịch thu xe trong trường hợp này?

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp sáng 10/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, cần phân biệt hai tình huống trong hành vi này. Một ông chủ cho mượn xe song không biết người mượn mang đi đua; hoặc không cho mượn, nhưng có người vẫn mang xe ra đua. "Các trường hợp này chủ phương tiện không có lỗi. Còn chuyện tự mang xe mình ra đua thì khác", ông Lý phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, xe cộ, tài sản, nhà cửa của một người chỉ bị xử lý khi người ta vi phạm. Nếu chủ sở hữu không có lỗi thì phải trả lại tài sản cho họ. "Xe tôi đang để ở đường, người khác ăn trộm để đua xe, sao lại tịch thu xe của tôi? Chẳng có luật nào cho phép tịch thu trong trường hợp này cả", ông Hiện nói.

Cũng theo ông Hiện, kể cả trong trường hợp con sử dụng xe của bố mẹ để đua thì "con hư bố mẹ chỉ phải chịu trong phạm trù đạo đức, còn trong phạm trù tài sản thì khác".

Dự luật xử lý vi phạm hành chính được soạn nhằm thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2008 - văn bản luật bộc lộ nhiều hạn chế, dù đã qua 3 lần sửa đổi. Việc thiếu các quy định cụ thể và thủ tục, hình thức xử phạt còn hạn chế đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công cụ pháp lý quan trọng này... Dự luật được xây dựng nhằm đơn giản hóa và minh bạch các thủ tục xử phạt hành chính, bảo đảm sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.

So với Pháp lệnh, dự luật bổ sung một số hình thức xử phạt mới, gồm: buộc lao động phục vụ cộng đồng; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; buộc học tập các quy định của pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm. Dự luật cũng bổ sung một số biện pháp mới để khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, như: cải chính thông tin sai sự thật; loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, vật phẩm; thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; ghi nhận cơ chế xử phạt đặc thù đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, mức phạt tiền có thể cao gấp 2 lần mức phạt chung.

Nguyễn Hưng


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,579

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]