Ngày 6/4, luật sư Nguyễn Việt Hùng, trưởng văn phòng luật sư Kinh Đô (Đoàn luật sư Hà Nội) cho VnExpress.net biết ông vừa có văn bản kiến nghị gửi cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP Hải Phòng), VKSND cùng cấp về việc xem xét về trách nhiệm hình sự và thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can trong vụ việc ở Tiên Lãng.
Luật sư Hùng cho rằng hiện nay trong gia đình ông Vươn chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em nên không thể tiếp tục đầu tư sản xuất dù đã được giao lại đất. Ảnh: Hà Anh. |
Luật sư cho rằng, theo kết luận của Thủ tướng thì việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất ngày 5/1 của UBND huyện Tiên Lãng là trái pháp luật. "Do bức xúc, một số người thân của gia đình ông Vươn đã phản ứng gây thương tích cho 4 công an và 2 quân nhân", ông Hùng nêu.
Hiện, một số người trong gia đình ông Vươn bị xử lý bằng biện pháp tạm giam. Trong khi đó, theo nhìn nhận của luật sư, các hành vi khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì lại chưa bị xử lý là không công bằng đối với các bị can.
Theo luật sư Hùng, bản thân các bị can Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ trước khi xảy ra vụ án này là những người chăm chỉ làm ăn, có người từng là quân nhân. Đến nay, cơ quan chức năng của Hải Phòng đã hủy quyết định thu hồi đất và tiếp tục giao cho gia đình ông Vươn sử dụng. Song hiện nay các lao động chính của gia đình ông đều bị tạm giam, chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em nên không thể tiếp tục đầu tư sản xuất.
Với tư cách luật sư bào chữa, luật sư Hùng tin tưởng dù ở trong hoàn cảnh lao lý ông Vươn và gia đình sẽ vẫn tuân thủ pháp luật. Mặt khác, đến nay đã sắp hết thời hạn tạm giam theo quy định của pháp luật nên luật sư cho rằng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với các bị can Vươn, Quý, Vệ và Sịnh là không cần thiết.
“Việc các bị can nói trên được tại ngoại trong giai đoạn hiện nay vẫn đảm bảo được tính khách quan. Không những không ảnh hưởng gì đến việc điều tra mà còn đảm bảo được sự công bằng và nhân đạo”, văn bản của luật sư gửi cho các cơ quan chức năng ghi rõ.
Trước đó, trung tuần tháng 2, vị luật sư này cũng đã có văn bản kiến nghị về việc chuyển vụ án sang Cơ quan điều tra Quân đội để tiếp tục điều tra và kiến nghị khởi tố một số vụ án khác có liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, văn bản này chưa được cơ quan chức năng trả lời.
Liên quan đến vụ việc, đến nay, bị can Đoàn Văn Vươn (49 tuổi) cùng Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị bắt tạm giam được gần 3 tháng về tội giết người.
Trao đổi với VnExpress.net, một số luật sư cho rằng, pháp luật không quy định với trường hợp cụ thể nào để cho phép bị can được tại ngoại. Tuy nhiên, dựa vào một số những yếu tố nhà chức trách có thể xem xét như gia đình bị hại làm đơn xin bãi nại, bị can đã khắc phục hậu quả; chưa có tiền án tiền sự; có địa chỉ nơi cư trú rõ ràng và có người bảo lãnh.
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau gần 3 tháng xảy ra, UBND Hải Phòng cho biết, công an đã làm rõ được toàn bộ vụ án và hành vi của những người tham gia phá nhà ông Đoàn Văn Vươn. Việc định giá tài sản đang được gấp rút tiến hành để làm căn cứ kết luận, truy tố. |
Hà Anh