Tiếp tục đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp để phát triển kinh tế

15/05/2020 09:37 AM

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (2021-2025).

Đây là Nghị quyết có ý nghĩa với người dân vì trong 17 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm.

Hiện nay, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ chính cho nền kinh tế của nước ta vào những lúc khó khăn nhất nên việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được xem là giải pháp thiết thực và nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.

Để bạn đọc hiểu rõ về dự thảo Nghị quyết, Cổng TTĐT Bộ Tài chính đã có trao đổi với ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) về dự án Nghị quyết này.

? Lý do Bộ Tài chính đề xuất thêm 5 năm miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Ông Phạm Đình Thi: Việc Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) thêm 5 năm nữa xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Một là, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể:

Tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta”; và đưa ra giải pháp: Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao;...”.

Ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế

Tại Điều 142 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định: “Nhà nước khuyến khích hình thức phát triển kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Hai là, tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, từ đó góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.

Ba là, tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là một giải pháp khuyến nông cần thiết để góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kết nối chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bốn là, tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là biện pháp khuyến nông thông qua thuế, tạo cơ sở cho tập trung đất nông nghiệp để phát triển hình thức kinh tế trang trại và ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong khu vực nông thôn, giảm áp lực lao động đi làm tại các địa phương khác hoặc xuất khẩu lao động, từ đó giúp tăng thu nhập cho lực lượng lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Năm là, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Việc miễn thuế SDĐNN không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

? Theo nội dung dự án Nghị quyết thì những đối tượng nào tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, những đối tượng nào không được miễn mặc dù vẫn được giao đất nông nghiệp? Làm sao để đánh giá chính xác các đối tượng trên?

Ông Phạm Đình Thi: Tại dự thảo Nghị quyết quy định kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN theo quy định Nghị quyết số 55/2010/QH12Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2025. Theo đó, tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, kể cả trường hợp đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất, đất mà thành viên nhân giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và đất góp vốn để thành lập hợp tác xã.

Riêng đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp phải nộp 100% thuế SDĐNN trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất (Việc xác định các trường hợp này thông qua hợp đồng nhận thầu giữa các tổ chức được giao đất với tổ chức, cá nhân khác).

? Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động như thế nào đến thu NSNN, đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nếu Nghị quyết được thông qua?

Ông Phạm Đình Thi: Đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Đồng thời, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Kim Chung

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,297

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]