Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân (đã được sửa đổi, bổ sung) thì:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế X Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
= [Tổng thu nhập – các khoản được miễn thuế] – [11.000.000 + (4.400.000 x Số người phụ thuộc) + các khoản bảo hiểm bắt buộc (nếu có) + bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có) + đóng quỹ hưu trí tự nguyện (nếu có) + các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo]
Như vậy, khi đã nâng mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng đối với cá nhân người nộp thuế, tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc, trong trường hợp thu nhập của cá nhân dưới 11 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không phải đóng thuế TNCN.
Với trường hợp có tổng thu nhập lớn hơn 11 triệu đồng, thì tùy từng trường hợp mà có phải đóng thuế TNCN hay không.
Ví dụ: Ông A có tổng thu nhập là 12 triệu đồng, không có khoản thu nhập được miễn thuế.
>> Thu nhập chịu thuế của ông A là 12 triệu đồng
Khoản đóng bảo hiểm bắt buộc hàng tháng: 500.850 đồng.
**Trường hợp ông A không có người phụ thuộc:
Thu nhập tính thuế TNCN của ông A: 12.000.000 – (11.000.000 + 500.850) = 499.150 đồng.
Trong trường hợp này ông A phải đóng thuế TNCN với thuế suất thuế TNCN là 5%.
**Trường hợp ông A có 01 người phụ thuộc:
Thu nhập tính thuế TNCN của ông A: 12.000.000 – (11.000.000 + 4.400.000 + 500.850) = - 3 900.850
Trường hợp này, thu nhập tính thuế nhỏ hơn 0 nên ông A không phải đóng thuế TNCN.
Lưu ý: Mức giảm trừ gia cảnh mới theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020, những tháng đã tạm nộp theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng thì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 vào đầu năm 2021 sẽ được tính lại và hoàn về cho người nộp thuế nếu đã nộp dư.
Quý Nguyễn