Quá trình tái cơ cấu kinh tế có thể chỉ phát huy tác dụng trong trung hạn. |
Tái cơ cấu trở nên cần thiết và cấp bách
Theo Báo cáo, cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong hơn 25 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Tuy vậy, thời gian gần đây, nền kinh tế nước ta đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại.
Tăng trưởng GDP tuy vẫn ở mức tương đối cao nhưng đang có xu hướng chậm lại; lạm phát luôn ở mức khá cao; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao; nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng. Bất ổn kinh tế vĩ mô luôn là vấn đề phải quan tâm hàng đầu trong những năm gần đây.
Thực tế nói trên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Một là, các yếu tố của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã đến mức tới hạn; động lực tăng trưởng phụ thuộc vào gia tăng vốn đầu tư, gia tăng số lượng lao động,.v.v... đang giảm dần. Trong khi tiềm năng và động lực tăng trưởng theo chiều rộng đang giảm và yếu dần, thì các động lực của tăng trưởng theo chiều sâu lại chưa được cải thiện.
Hai là, chủ trương, chính sách và cách thức quản lý, điều hành nền kinh tế ở các cấp, các ngành chưa thay đổi kịp.
Bên cạnh những khó khăn nội tại, trong mấy năm qua nền kinh tế nước ta luôn phải đối mặt với những tác động bất lợi từ khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ công châu Âu,.v.v...
Thực tế cho thấy việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã trở nên cần thiết và cấp bách.
Hy sinh lợi ích trước mắt
Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức.
Khó khăn, thách thức đầu tiên là chúng ta có thể phải hy sinh lợi ích ngắn hạn trước mắt để đổi lấy lợi ích tổng thể, lâu dài hơn. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế có nghĩa là ít nhất trong một số năm trước mắt, các nguồn lực xã hội phải được phân bố lại trên quy mô lớn; và kết quả của quá trình nói trên có thể chỉ phát huy tác dụng trong trung hạn.
Điều đó có nghĩa là trong những năm trước mắt, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không cao như kế hoạch, và có thể thấp hơn so với trước đây.
Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương; những thay đổi để chuyển dần sang mô hình tăng trưởng mới là chưa thực sự rõ nét.
Về khó khăn thứ hai, Chính phủ nhận định, tái cơ cấu kinh tế có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp.
Một bộ phận cán bộ, công chức đang quen làm việc với thể chế hiện hành có thể phải chuyển đổi công tác do không kịp thời hoặc không đủ năng lực thay đổi tư duy và nâng cao kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cơ chế mới về phân bố và sử dụng nguồn lực.
Chính phủ cũng khẳng định, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải là gói cứu trợ nền kinh tế, do đó, xét trên tổng thể, nó không làm tiêu hao nguồn lực của xã hội. Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số bên có liên quan, có thể phát sinh chi phí nhất định.
Ví dụ, xử lý nợ xấu là một trong các nội dung tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại. Ước tính số nợ xấu chiếm khoảng 3,6% tổng dự nợ tín dụng của nền kinh tế. Nợ xấu được xử lý, bù đắp bằng quỹ dự phòng, vốn chủ sở hữu và bán lại cho các tổ chức mua bán nợ, và các bên khác có quan tâm. Nếu các biện pháp nói trên không đủ để xử lý số nợ xấu, thì ngân sách nhà nước sẽ là nguồn cuối cùng để xử lý số nợ xấu còn lại.
Tái cơ cấu kinh tế cũng có nghĩa là quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng có thể thu hẹp lại; thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển.
Tuy nhiên, tái cơ cấu chủ yếu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành và nội bộ từng ngành, và trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế... Kết quả cuối cùng là chuyển dịch được trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của kinh tế nước ta lên mức cao hơn.
Không ít các yếu tố thuận lợi
Báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thách thức, việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cũng có không ít các yếu tố thuận lợi.
Trước hết, chúng ta có nguồn lực và tiềm năng kinh tế lớn được tích lũy qua thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế với quy mô tới hàng trăm tỷ USD. Xét trên tổng thể, tái cơ cấu kinh tế là phân bố lại nguồn lực quốc gia để các nguồn lực đó được sử dụng có hiệu quả hơn.
Nguồn lực mà chúng ta dựa vào đó để tái cơ cấu nền kinh tế là tổng nguồn lực xã hội hiện có và tiềm năng, bao gồm giá trị tài sản tiết kiệm dưới các hình thức khác nhau của dân cư và hộ gia đình; giá trị tài sản dưới các hình thức khác nhau của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; giá trị tài sản dưới các hình thức khác nhau của khu vực sự nghiệp và các tài sản quốc gia khác; vốn cam kết đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển chưa giải ngân với giá trị lên đến hàng chục tỷ USD; v.v…
Một thuận lợi lớn khác là Việt Nam có sự đồng thuận xã hội về yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tế cho thấy hiện đã có sự đồng thuận cao trong Đảng, các cơ quan nhà nước, giới nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết và yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Cùng với đó, tái cơ cấu nền kinh tế đã có những khởi động và kết quả bước đầu. Cụ thể là tình trạng đầu tư nhà nước dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ,.v.v… đã bước đầu được khắc phục. Trước áp lực của nguy cơ mất an toàn hệ thống, công cuộc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng được triển khai; và đã thu được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Trong khi đó, lạm phát nhìn chung đã được kiềm chế bước đầu, các chỉ số vĩ mô được cải thiện đáng kể và kinh tế vĩ mô đang có xu hướng dần ổn định.
Chính phủ cũng khẳng định, những bổ sung, sửa đổi quan trọng và kịp thời của Hiến pháp, những kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho việc phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Cuối cùng, hội nhập kinh tế đang ngày thêm mở rộng và cũng cố. Các nỗ lực cải cách tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ và khích lệ của chính phủ các đối tác quan trọng, chiến lược, các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế. Đây là yếu tố thuận lợi bên ngoài, tạo cơ hội tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường thúc đẩy tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Hà Văn