29/05/2012 10:44 AM

TT - Thảo luận về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày 28-5, nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn phân tích những bất cập trong hoạt động của Quốc hội mà Luật đất đai là ví dụ điển hình.

Hội đồng thẩm định giá tiến hành đo đạc khu nhà ông Vươn để phục vụ cơ quan điều tra trong vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Vươn - Ảnh: Thân Hoàng

Sửa Luật đất đai càng sớm càng tốt

Cho rằng quy trình làm luật của Quốc hội đang có vấn đề, khiến chất lượng các đạo luật được thông qua không cao và luật chậm đi vào cuộc sống, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) khẳng định hiện nay tồn tại tình trạng cơ quan soạn thảo đi vận động hành lang để các đại biểu thông qua. “Pháp luật không đi vào cuộc sống là cục bộ, bản vị. Trong khi nhiều vấn đề bức xúc luật cần phải điều chỉnh, bổ sung nhưng chờ mãi vẫn không thấy câu trả lời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật không nên nể nang, né tránh vấn đề này. Tôi làm đại biểu ba khóa Quốc hội rồi, nếu cứ để tình trạng như vậy thì buồn lắm...” - ông Nghĩa gay gắt.

Theo ông Nghĩa, vì thiếu kiên quyết, thiếu tích cực nên có những vấn đề đang gây ra nhiều bức xúc cho xã hội, gây khó khăn cho dân, cho công tác quản lý nhưng pháp luật chậm được điều chỉnh, xử lý. “Ví dụ trong lĩnh vực đất đai đang tồn tại nhiều tham nhũng nhất trong xã hội VN này, tham nhũng quá trời quá đất. Cứ để tình trạng thế này thì sau này con cháu sống làm sao? Vừa qua có bao nhiêu vụ bức xúc như vậy, đâu chỉ Tiên Lãng (Hải Phòng) và Văn Giang (Hưng Yên). Tôi cho rằng Luật đất đai sửa chậm là có tội với dân. Càng chậm sửa thì người có chức có quyền càng có thêm cơ hội, điều kiện tham nhũng” - ông Nghĩa nói.

Đồng tình với ông Nghĩa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng vừa qua trung ương đã cho định hướng về việc sửa đổi Luật đất đai. “Tôi nghĩ không cần đợi sửa Hiến pháp cũng có thể sửa Luật đất đai ngay được, tình trạng rất bức xúc rồi” - bà Thúy nói. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng nhấn mạnh rằng “việc sửa đổi Luật đất đai lùi nhiều lần rồi, tất nhiên đây là vấn đề khó nhưng khó mấy cũng phải làm, sửa càng sớm càng tốt”.

Chuyên trách nhưng không chuyên nghiệp

Đây là cách ví von của đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), sau đó ông Lịch quay sang đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói: “Đại biểu chuyên trách như anh là tương đương tổng cục trưởng, chế độ ngon lành. Nhưng tôi hỏi anh, anh có ai phụ việc không? Anh có đóng dấu ký tên không? Anh làm việc như một chuyên viên đúng không?...”. Đại biểu Đương cười gật đầu. Ông Lịch nói tiếp: “Chuyên viên không ra chuyên viên, lãnh đạo không ra lãnh đạo. Giống như một bệnh viện mà không có y tá, chỉ có bác sĩ mà từ khiêng băng ca đến chích thuốc làm hết. Bởi vậy tăng đại biểu chuyên trách mà chỉ để làm việc như chuyên viên thì quá lãng phí”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng các đại biểu chuyên trách phát huy vai trò còn quá ít, mà trong đó có lý do là ai cũng tính sau năm năm làm đại biểu chuyên trách còn đường quay về với vị trí công chức một cách “an toàn”. Ông Nghĩa cho rằng nên có luật hoặc pháp lệnh về đại biểu Quốc hội một cách rõ ràng để các đại biểu yên tâm thực thi quyền và trách nhiệm của mình. Còn nếu đại biểu chuyên trách vẫn cứ lo đường “quay về” sau nhiệm kỳ năm năm thì khó mà phát huy hết vai trò, trách nhiệm được.

Dè dặt với “bỏ phiếu tín nhiệm”

Về việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng cần tính tới trường hợp một bộ trưởng ngay trong năm đầu tiên bỏ phiếu đã có tín nhiệm không quá 50%, thậm chí dưới 20%. “Nếu không có quy định cụ thể thì rất khó khăn” - ông Nam nói.

Đại biểu Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) nói việc bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung mới, phải tính toán cân nhắc xem xét thật kỹ, vì mỗi năm đều bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... thì đây là vấn đề chính trị. “Cũng có thể bỏ phiếu tín nhiệm nhưng bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người đang có chuyện này, chuyện kia thì tôi thấy được” - ông Hiếu nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì đề nghị “vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm phải nghiên cứu chặt chẽ. Hiện nay đối tượng được Quốc hội bầu và phê chuẩn rất lớn nên đối tượng bỏ phiếu cần khoanh lại. Hơn nữa, chúng tôi là đại biểu làm việc ở địa phương không được gần gũi các vị bộ trưởng ở trên này nên thiếu thông tin, nói là bỏ phiếu nhưng bỏ thế nào cũng khó”.

Hàng trăm án tử hình đang chờ... thuốc độc

Đề cập hoạt động lập pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho rằng một trong những tồn tại hiện nay là có luật ban hành không khả thi hoặc không có đủ điều kiện để thực hiện trên thực tế. Ví dụ như Luật thi hành án hình sự có quy định tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Luật này có hiệu lực từ tháng 7-2011 nhưng đến nay không thể thực hiện được.

Khác với hình thức tử hình bằng xử bắn, việc tử hình bằng tiêm thuốc độc phải xây dựng các trung tâm và có máy thực hiện. Bộ Công an đã xây dựng được một số trung tâm, tuy nhiên không có thuốc độc để tiêm. Việc nhập thuốc độc từ nước ngoài về gặp khó khăn. “Một năm nay còn hơn 400 đối tượng có án tử hình chưa thi hành được, trong đó có hơn 100 đối tượng đã đầy đủ thủ tục rồi, chỉ chờ có thuốc để thi hành án mà không có” - ông Hiếu nói.

L.KIÊN - V.V.THÀNH - V.SỰ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,662

Chính sách mới
Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]