24/05/2012 09:36 AM

- Đúng vào thời điểm trên thị trường bắt đầu giảm giá xăng dầu, bên hành lang Quốc hội chiều 23/5, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trao đổi về căn cứ cho quyết định ấy. Ông cho hay quyết định giảm giá xăng dầu đã được Bộ “tính toán chi li, cặn kẽ đến từng đồng”.


Từ 15h30 chiều 23/5, hơn chục ngày sau đợt điều chỉnh giảm gần nhất, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm với mức nhẹ, từ 300-600 đồng/lít.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Ảnh: Anh Dung

Cụ thể, giá xăng A92 giảm thêm 600 đồng/lít. Dầu diezel sẽ giảm thêm 400 đồng/lít, từ 21.600 đồng/lít hiện hành hạ xuống còn 21.200 đồng/lít. Hai mặt hàng dầu hỏa và  madut cũng được điều chỉnh giảm tới mức giảm đồng loạt 300 đồng/lít.

Lý giải cơ sở của việc điều chỉnh giảm, Bộ trưởng Huệ nói: Tính từ hôm nay so với 23 tháng trước, trong chu kì 30 ngày, giá bán và giá cơ sở có chênh lệnh giá 900 đồng/lít. Liên bộ bàn và báo cáo Thủ tướng, với mặt hàng xăng A92, tăng 300 đồng/lít cho thuế nhập khẩu (2%), và 600 đồng/ lít để giảm giá cho sản xuất và kinh doanh.

Chênh lệch của diezel thấp hơn, chỉ trên 600 đồng, nên chúng tôi quyết định chỉ tăng thuế 1%. Mặt hàng diesel lại còn liên quan đến sản xuất, nhất là ngư dân đi biển, nên nhà nước chia sẻ nhiều hơn. Mức thuế vì thế chỉ tăng thêm 1%, thành 3%, và giá diesel giảm 400 đồng/lít.

Ông nói thêm, việc điều hành giá xăng dầu vẫn theo quy định của Nghị định 84. Chu kì tăng hoặc giảm giá tối thiểu là 10 ngày. Khi tính giá cơ sở so với giá bán phải tính theo chu kì lưu thông hàng hóa và dự trữ là 30 ngày. Doanh nghiệp một mặt vừa phải đảm bảo cung cấp xăng dầu cho thị trường, vừa phải đảm bảo dự trữ lưu thông quốc gia. Việc điều chỉnh giá phải tính trên giá cơ sở trong 30 ngày. Vì thế không loại trừ khả năng 10-15 ngày tới giá xăng có thể tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào sự lên xuống của thị trường.

“Có cơ hội giảm giá được, chúng tôi sẽ nghiên cứu và tìm mọi cách để giảm, hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng”, ông Huệ cam kết.

Vị Bộ trưởng cũng phân trần trước thắc mắc tại sao giá xăng tăng nhiều mà giảm nhỏ giọt.  “Về mặt hiện tượng, đúng là điều này có xảy ra”, ông Huệ thừa nhận. Tuy nhiên, bản chất của nó là gì?

Khi giá thị trường tăng, nếu điều chỉnh tăng theo đúng tỉ lệ với giá cơ sở thì mức tăng sẽ rất lớn. Khi tăng để đảm bảo bình ổn giá, và an sinh xã hội, nhà nước thường phải hi sinh phần của mình, giảm thuế. Cả một thời gian dài thuế suất các mặt hàng xăng dầu là 0%. Khi có dư địa giảm giá, phải tính toán một chút đến biểu thuế. Chúng ta chia sẻ một chút mức giảm và tăng giá xăng dầu là như vậy. Suy cho cùng, mức thuế này cũng quay trở lại để phục vụ nhân dân, cho an sinh thôi.

“Tôi cam kết, khi tăng giá, nếu thị trường của ta chấp nhận đưa đủ hết các yếu tố vào, thì sẽ đảm bảo khi giảm thì cũng sẽ giảm tương ứng”, người đứng đầu ngành tài chính cũng nói.

Ông cũng lưu ý về thông tin xăng đang lãi 1.700đồng/lít được đăng tải trên các báo.

“Nếu các bạn tính giá thế giới với giá trong nước trong một ngày thì có thể ra kết quả như vậy. Nhưng điều hành giá phải dựa trên giá cơ sở trong chu kì 30 ngày. Hơn nữa, không phải hôm nay giá thế giới thế này thì ngay lập tức công ty xăng dầu của VN có ngay xăng dầu với mức giá đó để bán trên thị trường, mà phải dự trữ, lưu thông từ trước”, ông giải thích.

Phương Loan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,613

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]