Ứng phó hạn mặn vùng ĐBSCL: Không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/09/2020 15:13 PM

Ngày 11/9/2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ứng phó hạn mặn vùng ĐBSCL: Không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt

Ứng phó hạn mặn vùng ĐBSCL: Không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021, Thủ tướng chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ĐBSCL:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020-2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020.

Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt;

- Huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ.

Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

- Chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

- Tập trung rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến cây trồng;

- Thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2020-2021 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

- Tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt;

- Kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tổ chức rà soát, cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ, thôn/ấp, xã, huyện, tỉnh, nhất là ở các vùng ven biển thường xuyên thiếu nước sinh hoạt để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như: bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác;

- Tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

- Tập trung lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án trong giai đoạn tới, trong đó cần ưu tiên đầu tư các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn, đặc biệt các công trình có tính chất liên vùng, không hối tiếc, có tác động lan tỏa theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ;

- Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận động doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình, nghiên cứu các mô hình, giải pháp về kỹ thuật sản xuất, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, hỗ trợ các thiết bị chứa nước, lọc nước cho người dân.

Xem chi tiết nội dung tại Chỉ thị 36/CT-TTg ngày 11/9/2020.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,671

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]