Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 14/2014/TT-BNV và Thông tư 10/2019/TT-BNV |
Đề xuất thêm hướng dẫn chuyển xếp lương công chức ngạch văn thư (Ảnh minh họa)
Theo đó, đề xuất bổ sung quy định về việc chuyển xếp lương đối với công chức đang làm công tác văn thư như sau:
Trường hợp công chức có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng đã được xếp lương ở công chức loại A0 theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP (trước ngày Thông tư 10/2019/TT-BNV có hiệu lực thi hành), nay được bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) thì việc xếp bậc lương trong ngạch văn thư trung cấp được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự, thử việc) như sau:
Tính từ bậc 2 của ngạch văn thư trung cấp, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn). Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì bịkéo dài thêm chế độ nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.
Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch văn thư trung cấp, nếu hệ số lương được xếp ở ngạch văn thư trung cấp cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian công chức xếp lương ở ngạch văn thư trung cấp.
Sau đó, nếu công chức được nâng ngạch thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi nâng ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.
Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 14/2014/TT-BNV và Thông tư 10/2019/TT-BNV.
Châu Thanh