Chiều 14/6, trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết Luật thi hành án hình sự cho phép thay đổi từ xử bắn tử tù sang tiêm thuốc độc.
Trương Minh Hải (24 tuổi, quê Long An) bị kết án tử hình về tội Giết người. Ảnh: Hải Duyên. |
Thời điểm luật có hiệu lực (1/7/2011), do chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, Bộ Công an đã xin lùi thời hạn áp dụng.
"Đến nay, các điều kiện đã sẵn sàng chỉ còn chờ Bộ Y tế nhập thuốc về. Nếu gặp khó khăn, Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước để phục vụ kịp thời việc thi hành án tử hình", người đứng đầu ngành công an cho hay.
Theo thượng tướng Quang, do lượng phạm nhân bị kết án tử hình nhiều, Bộ Công an đã có kế hoạch xây dựng trung tâm tiêm thuốc độc ở 5 khu vực. Tuy nhiên vì kinh phí có hạn, việc này chưa thể làm ngay cùng một lúc.
Thời gian qua, Bộ Công an đã tập huấn việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc cho các cán bộ thi hành án trong lực lượng công an và quân đội. "Cả nước có gần 500 người làm nhiệm vụ này", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Công an nêu ý tưởng muốn hình thành trại giam riêng đối với tử tội. "Nếu để rải rác ở các trại tạm giam hay các địa phương sẽ khó khăn cho công tác quản lý vì người bị kết án tử hình thường quậy phá", ông nói.
Trao đổi với Báo, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an) từng cho hay, việc tiêm thuốc độc sẽ giúp người bị thi hành án tử hình ít đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn. Việc này cũng khắc phục những khó khăn, bất cập trong thi hành án tử hình bằng xử bắn thời gian qua như về pháp trường tổ chức thi hành án; về áp lực tâm lý với cán bộ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án...
Theo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), mỗi năm phạm nhân bị thi hành án tử hình tăng 80-100 người. Các tử tù chủ yếu phạm tội giết người, cướp tài sản và buôn bán ma túy.
|
Theo VNE