Chính sách mới về lao động - tiền lương có hiệu lực từ tháng 12/2020
1. Hệ số lương giảng viên đại học công lập cao nhất 8,00
Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Theo đó, các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy quy định tại Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, cụ thể như sau:
- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
- Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
- Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Việc xếp lương chức danh nghề nghiệp thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12/12/2020 và bãi bỏ Thông tư liên tịch 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014, Thông tư liên tịch 28/2015/TT-BGDĐT-BNV ngày 06/11/2015.
2. Cách xếp lương viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 29/2020/TT-BTTTT về việc hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, có hiệu lực từ ngày 12/12/2020.
Theo đó, hướng dẫn xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp thuộc chuyên ngành CNTT sau khi hết thời gian tập sự và được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, thực hiện như sau:
- Trường hợp khi được tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 (bảng lương viên chức loại A1);
- Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 (bảng lương viên chức loại A1);
- Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34 (bảng lương viên chức loại A1);
- Trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp quản trị viên hệ thống hạng IV (mã số V11.06.15), phát triển phần mềm hạng IV (mã số V11.08.22):
+ Khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo cao đẳng phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 (bảng lương viên chức loại B);
+ Khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo trung cấp phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86 (bảng lương viên chức loại B).
Hệ số lương nêu trên được thực hiện theo Bảng 3 – Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004).
3. Bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức là phát thanh viên
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư 30/2020/TT-BTTTT hướng dẫn bổ nhiệm, xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim, có hiệu lực từ ngày 12/12/2020.
Theo đó, bổ nhiệm, xếp lương viên chức phát thanh viên (PTV) như sau:
- Bổ nhiệm vào chức danh PTV hạng I (mã số V11.10.27) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch PTV cao cấp (mã số 17.145).
(Áp dụng hệ số lương viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2) có hệ số lương từ 5,75 đến 7,55 tại Bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004) .
- Bổ nhiệm vào chức danh PTV hạng II (mã số V11.10.28) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch PTV chính (mã số 17.146).
(Áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2) có hệ số lương từ 4,00 đến 6,38).
- Bổ nhiệm vào chức danh PTV hạng III (mã số V11.10.29) đối với viên chức có trình độ đại học hiện đang giữ ngạch PTV (mã số 17.147).
(Áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98).
- Bổ nhiệm vào chức danh PTV hạng IV (mã số V11.10.30) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch PTV cao đẳng (mã số 17a.211) và PTV chưa đạt chuẩn (chưa đạt trình độ cao đẳng) (mã số 17c.214).
(Áp dụng hệ số lương viên chức loại B, có hệ số lương từ 1,86 đến 4,06).
4. Hồ sơ hưởng lương hưu hàng tháng đối với quân nhân
Thông tư 136/2020/TT-BQP (có hiệu lực từ ngày 12/12/2020) quy định về hồ sơ hưởng lương hưu hàng tháng đối với quân nhân như sau:
(1) Sổ BHXH
(2) Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ BHXH của Thủ trưởng đơn vị theo mẫu 05 ban hành kèm theo Thông tư 70/2016/TT-BQP ngày 02/6/2016.
(3) Bản chính biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của HĐGĐYK cấp có thẩm quyền trong BQP đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.
(4) Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
(5) Bản quá trình đóng BHXH
(6) Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).
(7) Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hằng tháng (Mẫu số 07AHBQP đến Mẫu số 07c-HBQP).
(8) Thông báo chuyển hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH (Mẫu số 10A-HBQP).
(9) Ngoài hồ sơ nêu trên, đối với các trường hợp sau đây, bổ sung thêm:
- Trường hợp sau khi ra tù được đơn vị tiếp nhận:
+ Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù hoặc quyết định tha tù trước thời hạn hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền về việc miễn hoặc tạm hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bắt đầu phải chấp hành hình phạt tù giam trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2015;
+ Quyết định tiếp nhận và xếp lương của cấp có thẩm quyền;
+ Đơn đề nghị hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 14-HBQP);
- Trường hợp người lao động bị phạt tù từ ngày 01/01/2016 trở đi, trong thời gian đang chấp hành án tù mà đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định:
+ Giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng, nhận lương hưu (Mẫu số 13B-HBQP),
+ Đơn đề nghị hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 14-HBQP);
- Trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi đời nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa không quá 06 tháng:
+ Đơn đề nghị đóng BHXH một lần để hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 14-HBQP);
+ Phiếu thu tiền đóng BHXH một lần.
- Trường hợp người lao động trước tháng 01/2007 công tác ở các địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực: Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04B-HBQP).
- Trường hợp người mất tích trở về: Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người mất tích trở về.
5. Hướng dẫn bảo vệ việc làm của người tố cáo là lao động hợp đồng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.
- Khi có căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 47 Luật Tố cáo, người tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ;
Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
- Trường hợp xét thấy đề nghị bảo vệ có căn cứ, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ theo quy định.
- Trường hợp đề nghị bảo vệ không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền ban hành thông báo không áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo quy định.
Châu Thanh