Hướng dẫn giám sát trọng điểm hội chứng cúm (Ảnh minh hoạ)
Thực hiện giám sát trọng điểm hội chứng cúm giúp cung cấp thông tin về dịch tễ học, vi rút học cần thiết cho việc lập kế hoạch, hướng dẫn, định hướng cho các hoạt động và chính sách phòng chống bệnh cúm tại Việt Nam.
Theo đó, hướng dẫn việc lựa chọn điểm thực hiện việc giám sát như sau:
- Tiêu chuẩn lựa chọn điểm giám sát:
+ Đại diện cho khu vực thực hiện giám sát (mức độ giao lưu, mật độ dân cư, thành thị, nông thôn, đặc điểm kinh tế xã hội).
+ Điểm giám sát bao gồm các đơn vị dự phòng và điều trị cam kết hợp tác chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, khả năng thực hiện các hoạt động chuyên môn giám sát trọng điểm, có khả năng duy trì lâu dài các hoạt động giám sát.
+ Ưu tiên những điểm có thể lồng ghép giám sát các bệnh truyền nhiễm khác và có lưu lượng bệnh nhân đến khám đủ lớn.
- Số lượng điểm giám sát:
Căn cứ nguồn lực và khả năng triển khai thực hiện, mỗi khu vực chọn số lượng điểm giám sát phù hợp.
- Lựa chọn khoa, phòng thực hiện giám sát hội chứng cúm tại điểm giám sát:
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai khám chọn các trường hợp hội chứng cúm tại các khoa khám bệnh hoặc phòng khám bệnh, bao gồm cả phòng khám nhi khoa và người lớn.
Bên cạnh đó, định nghĩa trường hợp hội chứng cúm cho giám sát như sau:
Là trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với các tiêu chuẩn sau:
- Sốt từ 38°C trở lên;
- Ho;
- Khởi phát trong vòng 10 ngày.
Xem thêm nội dung chi tiết tại Quyết định 4962/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày 27/11/2020.
Thùy Liên