Trường hợp UBND cấp xã được ký kết thỏa thuận quốc tế (Ảnh minh họa)
Cụ thể, thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế. (Khoản 1 Điều 2)
Trong đó, bên ký kết Việt Nam (khoản 2 Điều 2), bao gồm:
- Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (sau đây gọi chung là cơ quan của Quốc hội), Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước cấp tỉnh);
- Tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- UBND xã ở khu vực biên giới;
- Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức); cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).
Như vậy, UBND cấp xã ở khu vực biên giới có thể tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sau:
UBND cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Châu Thanh