06 quy định nổi bật của Luật thoả thuận quốc tế năm 2020

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/12/2020 14:48 PM

Sau đây là 06 quy định nổi bật tại Luật Thoả thuận quốc tế năm 2020 được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020; cụ thể:

Thoả thuận quốc tế

Luật Thoả thuận quốc tế 2020 có nhiều quy định nổi bật (Ảnh minh hoạ)

1. Thoả thuận quốc tế là gì? (Khoản 1 Điều 2)

- Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

- Hiện hành theo Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 (Pháp lệnh) quy định:

Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài, trừ các nội dung sau đây:

+ Hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;

+ Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;

+ Tham gia tổ chức quốc tế liên chính phủ;

+ Hỗ trợ phát triển chính thức thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam;

+ Các vấn đề khác thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ theo quy định của pháp luật.

2. Thoả thuận quốc tế không phải là điều ước quốc tế (Điều 6)

- Thảo thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là thỏa thuận, thông cáo, tuyên bố, ý định thư, bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế bao gồm công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định.

- Trong khi đó, điều ước quốc tế được quy định tại Luật Điều ước quốc tế 2016 là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

3. Ngôn ngsử dụng trong thỏa thuận quốc tế (Điều 7)

Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

4. Thẩm quyền ký kết thoả thuận quốc tế của UBND cấp xã (Khoản 6 Điều 3)

UBND cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế (Điều 32)

- Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó.

- Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế không quy định về hiệu lực thì thỏa thuận quốc tế đó có hiệu lực theo sự thống nhất bằng văn bản giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

6. Thoả thuận quốc tế có thể được ký kết với cá nhân nước ngoài (Khoản 3 Điều 2)

- Cụ thể, theo quy định mới bên ký kết nước ngoài bao gồm Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài.

- Hiện hành, theo Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh thì bên ký kết nước ngoài bao gồm Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan tương đương; chính quyền địa phương; tổ chức nước ngoài.

Như vậy, từ ngày 01/7/2021 thoả thuận quốc tế có thể được ký kết giữa bên ký kết Việt Nam và cá nhân nước ngoài.

Luật Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021; Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,151

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]