Kiểm sát viên phát biểu tại Tòa án (Ảnh minh họa)
Theo đó, để hoạt động phát biểu đảm bảo chất lượng, Kiểm sát viên cần tuân thủ một số yêu cầu chủ yếu về phát biểu khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự gồm:
- Nắm vững tính chất, phạm vi của từng giai đoạn tố tụng:
+ Ở giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có), yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có);
+ Ở giai đoạn phúc thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ phạm vi kháng cáo, kháng nghị toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm;
+ Ở giai đoạn giám đốc thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ căn cứ và điều kiện kháng nghị theo quy định tại Điều 326 của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015;
+ Ở giai đoạn tái thẩm, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ban hành bản án, quyết định đó (Điều 351, 352 BLTTDS năm 2015).
- Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ, toàn diện hồ sơ vụ án, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo lãnh đạo đơn vị, dự thảo phát biểu và đề cương hỏi.
- Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải theo dõi, cập nhật những nội dung mới phát sinh tại phiên tòa để điều chỉnh, bổ sung vào phát biểu, tránh trường hợp phát biểu nguyên văn dự thảo đã chuẩn bị trước nếu tại phiên tòa có phát sinh những nội dung mới. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải thực hiện chế độ báo cáo đúng, đầy đủ kết quả kiểm sát xét xử theo quy định.
- Về phong thái, trang phục, ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Thực hiện đúng Quyết định 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017.
Xem thêm nội dung tại Hướng dẫn 20/HD-VKSTC ban hành ngày 23/02/2021.
Thùy Liên