Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi xin giấy phép quảng cáo vì bị đòi thêm “giấy xác nhận nội dung quảng cáo” theo Luật An toàn thực phẩm.
Đòi xác nhận nội dung
Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cho biết công ty đang gặp khó với quảng cáo cà phê và gia vị (hạt nêm, nước tương, dầu hào…). Lâu nay công ty nộp hồ sơ ở Sở Y tế để xin giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo. Thế nhưng vừa qua, công ty lại được Sở Y tế hướng dẫn đến Sở NN&PTNT xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm vì cà phê và gia vị do ngành nông nghiệp quản lý.
Sở dĩ có yêu cầu trên theo ông Tuấn là vì Luật An toàn thực phẩm đòi hỏi như vậy.
Luật An toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 1-7-2011) có quy định DN quảng cáo chỉ được thực hiện quảng cáo khi nội dung đã được thẩm định. Tháng 4-2012, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2012 hướng dẫn về Luật An toàn thực phẩm, trong đó giao cho ba bộ gồm Y tế, NN&PTNT, Công Thương, mỗi bộ tổ chức cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đối với các thực phẩm thuộc lĩnh vực mà từng bộ được phân công quản lý.
Từ thời điểm Nghị định 38/2012 có hiệu lực (ngày 11-6) thì DN bắt đầu bị khó, ông Tuấn nói thêm.
Doanh nghiệp còn băn khoăn trong việc quảng cáo thực phẩm. Ảnh minh họa : HTD
Chỉ dùng Luật Quảng cáo!
Ông Tuấn cho rằng với quy trình hiện tại, Sở Y tế có quyền yêu cầu DN điều chỉnh nội dung quảng cáo. “Cái này không được, phải bỏ đi”, “cái này chưa được, phải sửa lại” là những yêu cầu mà cơ quan này thường đặt ra. DN phải thực hiện thì mới được cấp giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo.
Do đó, quy trình hiện nay vẫn đảm bảo nội dung quảng cáo chính xác, trung thực. Quy định của Luật An toàn thực phẩm cũng nhằm đảm bảo quảng cáo trung thực nhưng nếu áp dụng thì DN sẽ gặp khó khăn vì phải liên hệ với nhiều cơ quan để xin phép quảng cáo. Đã thế, khi DN sang Sở NN&PTNT xin giấy xác nhận nói trên thì sở này chỉ cấp cho giấy xác nhận có giá trị trong sáu tháng. Việc cấp giấy có giá trị ngắn hạn sẽ khiến DN phải làm thêm thủ tục xác nhận lại, không thuận lợi cho DN.
Hàng loạt DN thực phẩm đang lo ngại về tình trạng trên. Vì vậy, trong cuộc họp triển khai Luật Quảng cáo cuối tuần qua, các DN đã cùng nêu ý kiến. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định sẽ không cần giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm. Từ ngày 1-1-2013, khi Luật Quảng cáo có hiệu lực thì chỉ áp dụng Luật Quảng cáo. Những quy định đã ban hành trước mà trái Luật Quảng cáo thì không áp dụng nữa.
DN vẫn băn khoăn
Vấn đề các DN e ngại là việc quảng cáo phải tuân theo luật chuyên ngành, tức là tuân theo Luật Quảng cáo. Thế nhưng DN sản xuất, chế biến thực phẩm thì phải tuân theo luật chuyên ngành về thực phẩm, tức là Luật An toàn thực phẩm. Ngoài ra, Luật An toàn thực phẩm có nói rõ là việc quảng cáo cứ thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo nhưng “trước khi đăng ký quảng cáo”, DN thực phẩm phải xin xác nhận.
Một lý do khác khiến DN rất băn khoăn là hiện nay Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý để ban hành thông tư hướng dẫn việc xác nhận này. Nếu từ ngày 1-1-2013 không cần xác nhận nội dung thì Bộ Công Thương còn soạn dự thảo làm gì?
Thế nhưng Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái vẫn khẳng định quy định nào đã ban hành thì đến 1-1-2013 sẽ hết hiệu lực. Bộ nào chưa ban hành thông tư hướng dẫn xác nhận nội dung quảng cáo thì không cần phải ban hành nữa, có ban hành thì đến 1-1-2013 cũng mất giá trị.
Các DN cho biết nếu áp dụng quy định như cách Bộ VH-TT&DL khẳng định thì tốt cho DN nhưng chỉ sợ là đến 1-1-2013 lại không được như vậy!
Phải nộp tài liệu khoa học để chứng minh Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 75/2011 hướng dẫn xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật trên cạn, thủy sản, thực phẩm phối chế. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi của bộ này như sữa, dầu ăn, bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát. DN phải nộp tài liệu khoa học chứng minh tính chất, công dụng của sản phẩm đúng như nội dung đăng ký quảng cáo, kèm theo video clip, hình ảnh, phóng sự, bài viết dự kiến sẽ đăng quảng cáo. Các DN thực phẩm cho biết do Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn nên khi DN nộp hồ sơ quảng cáo sản phẩm thuộc ngành công thương quản lý cho Sở Y tế thì Sở Y tế vẫn cấp giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo. |
QUỲNH NHƯ
Theo phapluattp.vn