Mức lương cơ sở hiện hành tăng 104% so với năm 2011 (Ảnh minh họa)
Đây là nội dung tại Báo cáo 128/BC-CP ngày 19/4/2021 tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, tình hình triển khai các chính sách cải cách về thuế, thu nhập, tiền lương, tiền công và các chính sách an sinh xã hội như sau:
Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách chính sách tiền lương, chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã thực hiện chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước (Nghị định 334/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 về chế độ phụ cấp công vụ);
Điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động hưởng lương từ ngân sách tùy theo điều kiện ngân sách hàng năm (Gồm các Nghị định: 22/2011/NĐ-CP, 31/2012/NĐ-CP, 66/2013/NĐ-CP, 47/2016/NĐ-CP, 47/2017/NĐ-CP, 72/2018/NĐ-CP, 38/2019/NĐ-CP);
Giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã 06 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, từ 730.000 đồng lên 1.490.000 đồng, tăng 104%, bình quân tăng 7,6%/năm.
Đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công; nâng mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội(Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội).
Giai đoạn 2011 - 2020, thu nhập của người lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công đã có sự cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, rút ngắn khoảng cách với mức lương bình quân trên thị trường lao động.
Trước đó, Quốc hội đã chốt chưa tăng lương cơ sở 2021. Vì vậy, mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng, tăng 104% so với năm 2011.
Châu Thanh