Nhiệm vụ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng trong thời gian tới

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
18/05/2021 15:46 PM

Quốc hội thông qua Nghị quyết 161/2021/QH14 ngày 08/4/2021 về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, Quốc hội cơ bản tán thành kết quả đã đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được nêu trong các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng,… cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm, kết quả đạt được, tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó chú trọng những nội dung sau:

**Chủ tịch nước:

- Tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh;

- Đẩy mạnh xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế;

- Thúc đẩy quan hệ đối ngoại tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, tạo sự tin cậy chính trị ổn định, bền vững với các đối tác nước ngoài; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác;

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, đặc xá và thi đua, khen thưởng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

**Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với các giải pháp toàn diện, hiệu quả, mang tính đột phá, khả thi để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm;

- Xây dựng và thực hiện tốt hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả giảm nghèo bền vững; nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc.

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên;

- Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trọng dụng nhân tài, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ dựa trên thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số;

- Thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định của hệ thống pháp luật; chú trọng công tác tổ chức thực hiện luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; khắc phục triệt để việc nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, phản biện xã hội và giám sát thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật;

- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, bảo đảm quản lý thống nhất.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức;

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; quyết liệt thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp;

- Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, hải đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình; ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương; thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 161/2021/QH14 (có hiệu lực từ ngày 23/5/2021).

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,343

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]