Đây là nội dung tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Cụ thể, về xây dựng dự toán NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, hoặc chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi quy định các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN đảm bảo phù hợp Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Tại khoản 4 Mục III Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 có quy định: "- Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo... Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương (xe ô tô, điện thoại...). Chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn lực thực hiện." |
Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương thực hiện một số nội dung như:
- Rà soát các chính sách, chế độ thuộc các chương trình mục tiêu trước đây không được tích hợp vào các chương trình mục tiêu quốc gia, cần thiết phải tiếp tục thực hiện trong năm 2022, chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên, tổng hợp vào dự toán chi thường xuyên năm 2022 của cơ quan mình.
- Lập dự toán NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024 và Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của bộ, cơ quan trung ương.
Chỉ thị 20 cũng yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện thực tế, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
- Hoàn thiện thủ tục, trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025;
- Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; dự kiến lộ trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án và nguồn lực đối với từng chương trình trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025;
- Chi tiết kinh phí đầu tư, thường xuyên, cơ chế phân cấp thực hiện, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm cơ sở để bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022.
Xem chi tiết nội dung tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021.
Châu Thanh