Có thể tố cáo qua email, điện thoại

23/08/2011 18:39 PM

Người tố cáo được gửi nội dung phản ánh tiêu cực bằng thư điện tử, fax, điện thoại hoặc tài liệu nghe được, nhìn được là những điểm mới vừa được bổ sung trong dự thảo Luật Tố cáo.

Sáng 23/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các hình thức tố cáo mới này, bên cạnh cách thông thường là tố cáo trực tiếp hay qua đường bưu điện.

Một số ý kiến tán thành, coi đây là các hình thức khác nhau để chuyển nội dung tố cáo sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để xem xét. Cách này phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thông tin hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu băn khoăn cho rằng trong điều kiện ở nước ta hiện nay thì cơ chế, phương tiện kỹ thuật... để quản lý kiểm tra, xác minh thông tin tiếp nhận bằng các hình thức trên vẫn còn nhiều hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Nương (Trưởng Ban công tác đại biểu) cho rằng cách tiếp nhận thông tin tố cáo qua email, fax, điện thoại là "không khả thi". Theo bà, nhà chức trách sẽ không thể xác định được ai tố cáo, mức độ thực hư ra sao vì không có tên tuổi, địa chỉ và danh tính cụ thể. "Nếu đưa vào luật thì mỗi một cú điện thoại, hay email gửi đến chúng ta lại phải đi xác minh, rất khó khăn cho cơ quan giải quyết tố cáo", bà nêu quan điểm.

Ý kiến của bà Nương được nhiều đại biểu đồng tình. Bà Nguyễn Kim Ngân (Phó Chủ tịch Quốc hội) phát biểu: "Việc này không khả thi và chúng ta nên cân nhắc". Bà e ngại các cơ quan giải quyết việc tố cáo không đủ người để có thể đi xác minh với từng cú điện thoại hay email.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiện cũng đề nghị cân nhắc cho phép tố cáo bằng điện thoại và email. "Nếu công khai đơn tố cáo bằng email thì nguy hiểm quá. Họ có thể tung nội dung lên mạng Internet trong khi chưa được kiểm chứng, người bị tố cáo sẽ rất bị ảnh hưởng", ông băn khoăn.

Vị đại biểu từng là Chánh án TAND Tối cao này cũng lo ngại nếu cho phép tố cáo bằng điện thoại thì hiện nay mỗi người có thể mua hàng trăm chiếc sim rác. "Chúng ta lấy đâu ra người, lấy đâu ra hơi sức để giải quyết nhưng tố cáo kiểu đó", ông nói.

Trong khi đó, ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng) tán thành việc mở rộng các hình thức tố cáo song cho rằng "phải có biện pháp quản lý hiệu quả". Theo ông, tố cáo bằng thư điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại thông tin. "Nếu mỗi email mà có chữ ký điện tử đảm bảo (được một số cơ quan chức năng xác định) thì đơn tố cáo đó còn có giá trị hơn là gửi thư tay và ký thông thường", ông nói.

Tiếp tục thảo luật về dự thảo Luật Tố cáo, đa số ý kiến tán thành việc không tiếp nhận và giải quyết đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi. "Người tố cao phải ghi rõ danh tính nếu không thì là nặc danh, mạo danh, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan giải quyết", ông Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm.

Đồng tình với ông Hiện, song bà Nguyễn Kim Ngân cho biết thực tế vẫn có những đơn tố cáo dù là nặc danh nhưng lại nêu nội dung sự việc cụ thể, rõ ràng. Theo cựu bộ trưởng Lao động thương binh và xã hội, nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa hiệu quả nên chưa khuyến khích được công dân đấu tranh công khai, trực diện.

"Nếu tôi nhận được đơn tố cáo nặc danh, tôi cũng không bỏ qua mà xem xét để tiếp nhận thông tin. Nếu không xem xét từ nguồn này có thể sẽ bỏ lọt thông tin hoặc xử lý không kịp thời với vi phạm", bà Ngân cho hay.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến là cơ chế bảo vệ người tố cáo. Bà Nguyễn Thị Nương cho rằng nên có hướng dẫn cụ thể về bảo vệ người tố cáo, nhưng cũng nên cân nhắc đưa vào luật những ràng buộc với họ.

Theo bà Nương, đã xảy ra việc người tố cáo có tên tuổi, địa chỉ đầy đủ nhưng nội dung phản ánh lại không đúng sự thật, có động cơ vu cáo, vu khống. "Nên chăng có điều luật để xem xét, ràng buộc trách nhiệm với người tố cáo", bà phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì lo ngại việc bảo vệ người tố cáo là rất khó khăn, nếu đưa quy định vào luật thì tính khả thi cũng không cao. "Giả sử những người ta tố cáo đúng sự việc nhưng sau đó sẽ khó mà sống và làm việc được tại cơ quan và thủ trưởng cũ. Vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào vì luật cũng không thể nêu được hết vấn đề cụ thể", bà băn khoăn.

Anh Thư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,864

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]