Thu phí bảo kê có vi phạm pháp luật? (Ảnh minh họa)
Bảo kê là hành vi sử dụng vũ lực hoặc lợi dụng vị thế, quyền lực để bảo trợ cho hoạt động kinh doanh, làm ăn hoặc đảm bảo quyền lợi bất hợp pháp của một người, một nhóm người, với động cơ, mục đích vụ lợi và theo quy định của pháp luật cũng không có khoản phí nào gọi là phí bảo kê.
Dựa vào giải thích trên, có thể hiểu bảo kê là việc bên bảo kê đảm bảo cho bên được bảo kê (thường là các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ) được phép hoạt động mà không bị quậy phá, cản trở đến việc kinh doanh, ngược lại bên được bảo kê phải đóng cho bên bảo kê một khoản tiền bất hợp pháp.
Như vậy, hành vi thu phí bảo kê có thể có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Cấu thành tội phạm của tội cưỡng đoạt tài sản
- Khách thể tội phạm: xâm phạm đến an ninh trật tự, quyền sở hữu tài sản của các cá nhân, tổ chức.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản.
+ Hành vi dùng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên.
- Mặt chủ quan:
+ Lỗi: Cố ý trực tiếp.
+ Mục đích: nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mức phạt đối với tội cưỡng đoạt tài sản
Theo Điều 170 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), trách nhiệm hình sự với hành vi
- Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức.
+ Có tính chất chuyên nghiệp.
+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Hình thức xử phạt bổ sung đối với người phạm tội là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, trong trường hợp người có hành vi đe dọa dùng vũ lực dẫn đến gây thương tích cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác theo Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này là tù chung thân.
Như vậy, thu phí bảo kê là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 20 năm tù và phạt tiền đến 100 triệu đồng.
Nhật Anh