Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn: Trước đây mình thực hiện đào tạo liên thông theo quy định 06. Đây là văn bản đầu tiên quy định về đào tạo liên thông, tuy nhiên văn bản này vào thực tế còn nhiều khiếm khuyết. Mặt khác, nó cũng chưa nói đúng về bản chất của đào tạo liên thông.
Vụ trưởng Vụ GD ĐH Bùi Anh Tuấn: "Đường vòng vào ĐH không hẹp với thí sinh nhưng sẽ khó hơn..." |
Khi vận dụng quy định này nhiều trường đã không thực hiện đúng tinh thần và tự xây dựng chương trình liên thông thành chương trình đào tạo riêng. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều trường thực hiện làm sai quy định. Cụ thể, đào tạo ngoài nhà trường nhưng lại cấp bằng chính quy; hay đào tạo vừa học vừa làm nhưng lại cấp bằng chính quy...
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình bị cắt xén...dẫn tới chất lượng đào tạo không cao. Có thể nói, mô hình liên thông kém chất lượng đã phát triển tràn lan, xã hội đã lên án và nhiều đơn vị từ chối sản phẩm đào tạo liên thông.
Để ra quy định mới này, Bộ GD-ĐT cũng đã khảo sát ở các trường cho thấy, đào tạo liên thông đang bị biến tướng. Bộ cũng đã trăn trở cả năm và đây là quy định xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục ĐH.
Cửa không hẹp với thí sinh
- Điểm khác biệt của qui định này có giải quyết được những bất cập như ông vừa nêu?
Quy định mới này bám sát các quy định của Luật GD đại học ở chỗ: đào tạo liên thông phải đúng mục đích, bản chất. Nghĩa là chỉ có ba loại: chính quy, từ xa và vừa học vừa làm. Liên thông chỉ là hình thức tổ chức chứ không phải là một hệ đào tạo.
Điểm mới của quy định này khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất lớn của các trường ĐH trong việc miễn giảm cho học sinh bao nhiêu môn, bao nhiêu học phần, thi cử - đây là trách nhiệm của các trường, Bộ không can thiệp. Bộ chỉ ban hành các tiêu chí đảm bảo chất lượng.
Quy định mới còn giúp cho sự phát triển tồn tại đúng sứ mệnh của tất cả các trường trung cấp, THCN, các trường CĐ và CĐ nghề. Sứ mạng của các trường nghề là gì? anh học xong để tham gia vào thị trường lao động chứ đâu chỉ vào để lên ĐH. Thị trường lao động thì vắng bóng. Mọi người vào học chỉ chăm chăm học liên thông thì sẽ rất lãng phí trong việc đầu tư tiền bạc, công sức cho các trường nghề.
Nếu xác định vào học nghề để liên thông lên ĐH thì có cần thiết phải tồn tại đào tạo trung cấp nghề, CĐ nghề không? Chính vì thế mọi người quan niệm đào tạo liên thông này là đào tạo hai giai đoạn - nhưng thực chất không phải như vậy.
- Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện, môn thi...liên thông làm hẹp cửa cho thí sinh có nguyện vọng học ĐH bằng đường vòng?
Quy định này mở cho tất cả thí sinh và trực tiếp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người học. Với những bạn học CĐ nghề vừa ra trường muốn học lên thi đầu vào như học sinh phổ thông theo đề thi chung của Bộ. Nếu đỗ nhà trường sẽ xem xét miễn giảm theo quy định thực hiện liên thông chứ không phải học lại từ đầu.
Do đó, quy định này bảo đảm quyền lợi người học về chương trình, chất lượng đào tạo tương xứng với tấm bằng nhận. Mục tiêu xa hơn là thị trường sẽ nhìn nhận lại sản phẩm đào tạo theo hình thức liên thông. Điều này cũng tốt cho các trường trong việc xây dựng thương hiệu.
- Vấn đề học sinh kêu ở đây sao lại phải thi các môn văn hóa? Vậy thì lượng kiến thức được học ở các trường TC-CĐ không có giá trị. Tại sao không thi bằng chính những môn đã học đó để đánh giá thực lực tốt hơn?
Sau 36 tháng các bạn đã đi làm rồi có tích lũy kinh nghiệm rồi mà quay lại thi thì sẽ không bắt các bạn phải thi các môn văn hóa nữa, chỉ thi các môn chuyên ngành. Quy định này mở cho mọi đối tượng và giảm bớt thủ tục hành chính khi có quyết tâm học lên cao.
Quan điểm của Bộ là định vị lại chất lượng đào tạo liên thông và quyền lợi chính đáng của người học và giá trị của nhà trường.
Các trường cũng phải thay đổi
- Khi đưa ra quy định này Bộ có lường đến việc sẽ không có học sinh vào các trường trung cấp nghề, CĐ nghề...vào năm tới? Tình trạng các trường nghề ế ẩm sẽ càng ảm đạm hơn...
Cá nhân tôi không nghĩ như thế. Bởi vì nếu như tất cả đều nghĩ như thế thì thật đáng buồn và chúng ta đã nhìn nhận sai về bậc đào tạo, nhìn nhận sai về ngành nghề đào tạo...Sự tồn tại của mỗi cấp đào tạo nó có xứ mệnh riêng, đóng một vai trò nhất định trong cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu.
Còn nếu nhìn nhận lấy bậc học trung cấp nghề, CĐ nghề...làm bước đệm lên ĐH thì cần phải xem xét lại. Cánh cửa không hẹp và đóng với bất cứ ai, nhưng sẽ khó khăn hơn trong việc khẳng định giá trị bản thân. Khi tham gia thi "ba chung" vào trường sẽ được học chung với sinh viên chính quy và sẽ được miễn giảm các môn, học phần đã học.
Còn nếu nói mình không tham gia thi được thì đúng là bạn kém và không đủ điều kiện học liên thông là điều đương nhiên. Tấm bằng chính quy của nhà trường chỉ có một và phải đạt được chuẩn đầu ra chứ không thể có nhiều chuẩn đầu ra.
- Tại sao không có thời gian cho thí sinh chuẩn bị tinh thần...
Nếu không thực hiện ngay thì thực hiện vào lúc nào. Cũng có ý kiến lui một năm thì về mặt quản lý nhà nước là không ổn. Bản chất vấn đề cần giải quyết là giải mã giá trị thật của tấm bằng liên thông. Như tôi đã nói thì hình thức này đang bị biến tướng, nhiều trường đào tạo chui nên không có báo cáo nên cần chấn chỉnh.
Có thể năm đầu thực hiện có khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng Bộ thay đổi thì các trường cùng phải thay đổi. Kết quả liên thông là cho một cá nhân chứ không phải cho một nhóm người.
- Cảm ơn ông!
Kiều Oanh (Vietnamnet)