Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường

12/01/2013 14:03 PM

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có 15 chương, 136 điều (so với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 1993 tăng 8 chương, 79 điều). Để đáp ứng tình hình hiện nay, việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả Luật BVMT 2005 và đề xuất những vấn đề cơ bản cần quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là hết sức cần thiết…

Tuổi trẻ tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: MH

Thứ nhất, về tiêu chuẩn môi trường, cần quy định nội dung có liên quan phù hợp với quy định của Luật này theo hướng xem việc áp dụng bắt buộc các quy chuẩn môi trường là một trong những biện pháp cơ bản nhằm bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; xây dựng và áp dụng quy chuẩn môi trường cũng như các loại quy chuẩn khác cần xuất phát từ điều kiện kinh tế, hiện trạng cơ sở vật chất – kỹ thuật và mặt bằng công nghệ; phù hợp với trình độ phát triển, trình độ dân trí, với hiện trạng nền kinh tế và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Thứ hai, hoạt động đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam hiện nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập và yếu kém cả về chất lượng cũng như việc thực thi, chấp hành đúng các quy định của pháp luật cần phải được nghiên cứu để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể, hiện nay nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được coi như một thủ tục nhằm hợp thức hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án và các hoạt động đầu tư.

Việc xác định ranh giới giữa đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT; quy định vai trò chủ dự án tự và tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường v.v… còn bất cập, yêu cầu về trình độ, năng lực của cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo để thực hiện dịch vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trung thực, chưa đáp ứng được yêu cầu v.v…

Thứ ba, theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), có hơn 90% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thanh tra không xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Hơn 70% các khu công nghiệp, hơn 90% các khu đô thị, dân cư không có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hầu hết các làng nghề đang trong tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường. Có hàng ngàn cơ sở đang hoạt động thuộc diện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để v.v… Vì vậy, các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ đề nghị cũng cần phải được nghiên cứu, cân nhắc để quy định phù hợp tại Luật BVMT (sửa đổi).

Thứ tư, Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định cụ thể về bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư bao gồm các vấn đề về quy hoạch, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với đô thị, khu dân cư tập trung; bảo vệ môi trường nơi công cộng v.v… Do đó, các quy định về bảo vệ mô trường đô thị, khu dân cư tại Luật Bảo vệ môi trường 2005 cần được đánh giá đúng mức để quy định phù hợp trong Luật sửa đổi.

Thứ năm, trong những năm qua, bảo vệ môi trường đối với nước biển, nước sông và các nguồn nước khác chưa được qun tâm đúng mức, do khai thác quá mức và sử dụng các biện pháp đánh bắt mang tính hủy diệt làm cho các nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng; môi trường biển, nước sông và các nguồn nước khác bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần phải xem xét, cân nhắc để quy định phù hợp vấn đề này.

Thứ sáu, về quản lý chất thải, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã có quy định riêng một chương với bốn mục về quản lý chất thải. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế nhiều so với yêu cầu đặt ra. Do tính chất và diễn biến ngày càng phức tạp của việc quản lý chất thải và tình trạng ô nhiễm môi trường, nên các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 trong lĩnh vực này hiện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; việc phân loại chất thải tại nguồn tuy đã được quan tâm nhưng còn khó khăn trong triển khai thực tế; công tác quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại ở các đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.

Thứ bảy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định khá cụ thể về việc phòng ngừa sự cố môi trường, an toàn sinh học, an toàn hóa chất, an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ; ứng phó sự cố môi trường và xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường; quy định về khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các chuyên gia, mục tiêu quy hoạch là xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến nay vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm kịp thời việc phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; việc cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân v.v… còn bất cập. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng cần phải được nghiên cứu để quy định phù hợp vấn đề này.

Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định Thanh tra môi trường là thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ TN&MT. Thanh tra bảo vệ môi trường có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ v.v…

Tuy đã có rất nhiều cố gắng, nhưng thời gian qua hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, năng lực thanh tra của một số cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ môi trường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, việc kiểm tra chưa được thường xuyên, sát sao, nên chưa kịp thời phát hiện được nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường có tính nghiêm trọng v.v…

Đặc biệt, về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức giải quyết hiệu quả vấn đề bồi thường thiệt hại về môi trường.

Cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, trong đó, quy định rõ các nội dung như đối tượng phải mua phí bảo hiểm môi trường, mức phí bảo hiểm môi trường, phạm vi bảo hiểm, mức tiền chi trả bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm…

Để thúc đẩy hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh môi trường nổi lên như những yếu tố hết sức quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, như vậy, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định cụ thể các cơ chế để các DN tiếp cận được các chính sách cũng như các yêu cầu về môi trường theo hướng ưu tiên chú trọng các thị trường tiềm năng và các bạn hàng thường xuyên của Việt Nam; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng và cởi mở thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý môi trường hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và các mô hình quản lý môi trường hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế khác…

Vũ Ngọc Sáng

Theo Pháp luật Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,822

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]