Chính sách tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2022
Từ ngày 01/4/2022, Thông tư 02/2022/TT-BTC quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức quản lý thị trường bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, xếp lương các ngạch công chức Quản lý thị trường như sau:
- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21,187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
- Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
- Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mà số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
Với mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng thì lương công chức quản lý thị trường sẽ dao động từ hơn 3,1 triệu đồng đến gần 12 triệu đồng/tháng.
Nội dung này được hướng dẫn tại Nghị định 19/2022/NĐ-CP hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc, có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
Theo Nghị định 19/2022/NĐ-CP, một trong những chế đội với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là được hưởng trợ cấp một lần.
Cụ thể, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.
Trong đó, tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc, bao gồm:
- Tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với công nhân quốc phòng; nhóm, ngạch, bậc đối với viên chức quốc phòng;
- Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Xem thêm các chế độ khác đối với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc tại Nghị định 19/2022/NĐ-CP.
Từ ngày 19/4/2022, mỗi giảng viên sẽ chỉ cần 01 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm và xếp lương.
Đây là nội dung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Cụ thể, quy định mới không còn yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cho từng hạng như hiện hành.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cao đẳng sư phạm đối với tất cả các hạng (I, II, III):
Không còn yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm riêng cho từng hạng, mà quy định chung cho các hạng là phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập đối với tất cả các hạng (I, II, III):
Thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên theo từng hạng thì Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.
>>> Xem thêm: Tiền lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động thấp hơn lương tối thiểu vùng thì có bị coi là vô hiệu không?
Châu Thanh