Nợ lương NLĐ, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/03/2022 16:17 PM

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gặp khó khăn về tài chính và phải nợ lương NLĐ. Vậy thời hạn nợ lương tối đa của doanh nghiệp là bao lâu? Sau thời hạn đó, doanh nghiệp nợ lương bị xử lý như thế nào?

Nợ lương NLĐ, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?

Nợ lương NLĐ, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Nguyên tắc trả lương cho NLĐ

Về nguyên tắc trả lương được quy định tại khoản Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ.

2. Thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với NLĐ

Theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 thì trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. 

Từ quy định này có thể xác định thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với cá nhân là 30 ngày kể từ ngày nhận lương được ấn định trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, cần lưu ý điều kiện để doanh nghiệp có thể áp dụng điều khoản này trong việc nợ lương là buộc phải “vì lý do bất khả kháng” và doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể thực hiện được nghĩa vụ trả lương đúng hạn.

3. Bồi thường khi doanh nghiệp chậm trả lương cho NLĐ

Tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định trong trường hợp trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được nợ lương NLĐ nếu được xác định rơi vào trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, việc chậm lương từ 15 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất phải bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm với mức lãi được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng.

4. Mức phạt khi doanh nghiệp chậm trả lương cho NLĐ

Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với doanh nghiệp có hành vi trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật như sau: 

-  Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ; 

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ; 

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ; 

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ; 

- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

Theo đó, tùy theo số lượng nhân viên mà doanh nghiệp chậm trả lương, mức phạt đối với hành vi trả lương không đúng hạn, không trả lương có thể dao động từ thấp nhất là 5.000.000 đồng đến cao nhất là 50.000.000 đồng.

5. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của NLĐ khi doanh nghiệp chậm trả lương

Việc không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn là cơ sở hợp lý để NLĐ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.

Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do như trên không được áp dụng đối với trường hợp vì lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. Trong trường hợp này, hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước của NLĐ được xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật được quy định tại Điều 39 Bộ luật lao động 2019

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,327

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]