Đà Nẵng ra thông báo phản hồi về sai phạm đất đai

21/01/2013 09:36 AM

TPO - Thông báo phản hồi của UBND TP Đà Nẵng dài 12 trang, cho rằng, các kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đều không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục.

Chiều 19-1, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chính thức ký văn bản thông báo số 12/TB-UBND về việc phản hồi kết luận của TTCP cho rằng, quản lý đất đai ở Đà Nẵng từ năm 2003 – 2011 có nhiều sai phạm dẫn đến thất thoát hơn 3.400 tỷ đồng.

Dự án Đa Phước nơi được kết luận có sai phạm - Ảnh: Nam Cường
Dự án Đa Phước nơi được kết luận có sai phạm - Ảnh: Nam Cường.


Không làm thất thu hơn 3.400 tỷ

Bộ Công an đang làm việc ở Đà Nẵng

Trưa qua, trao đổi nhanh với PV, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho hay, Đà Nẵng chỉ làm giải trình để công bố rộng rãi những thông tin nhằm phản hồi lại những kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) trước công luận để tránh dư luận không tốt về thành quả mà lãnh đạo cùng người dân Đà Nẵng xây dựng mấy năm qua.

“Vấn đề này Đà Nẵng đã trả lời TTCP rất nhiều lần nhưng không được tiếp nhận. Vì vậy, bây giờ đành phải chờ những cuộc làm việc tiếp theo của Bộ Công an và các bộ ngành khác mà Thủ tướng đã chỉ đạo.

Trên tinh thần đó, hiện nay Đà Nẵng đang tiếp đoàn công tác của Bộ Công an đã chủ động có Công văn số 475/UBND-NCPC ngày 16-1-2013 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm sắp xếp thời gian vào làm việc với thành phố để xác minh làm rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng”.

Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng yêu cầu báo chí không làm “căng” vấn đề bởi sự thực nó không nóng như dư luận bàn tán.

Năm vấn đề chính nêu trong phản hồi của TP Đà Nẵng, gồm: Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Đấu giá và giao quyền sử dụng đất; Ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; 6 dự án bị cho là thất thoát vốn và việc giảm 10% tiền sử dụng đất khi nộp đủ tiền trong vòng 60 ngày.

Theo đó: Tại Đà Nẵng, tất cả các trường hợp giao đất cho các tổ chức, cá nhân đều được công khai đấu giá và giao quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm.

Đối với việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ), TP Đà Nẵng khẳng định: Tất cả các trường hợp người được giao quyền SDĐ đều phải nộp đủ tiền 100%. Khi có Giấy chứng nhận quyền SDĐ thì người sử dụng đất chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, vấn đề này không thuộc quyền hạn và trách nhiệm của UBND thành phố.

Thông báo khẳng định: “Cách làm này của TP xuất phát từ nhu cầu khách quan, thực tiễn của địa phương, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với nhân dân, chương trình cải cách thủ tục hành chính và đã phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn cho sự thành công của công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận rất lớn trong nhân dân, giữ vững được môi trường đầu tư”.

Về 6 dự án mà TTCP kết luận Đà Nẵng gây thất thu ngân sách, TP Đà Nẵng khẳng định: Thanh tra Chính phủ lấy giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố làm căn cứ chính rồi so với giá đất mà UBND TP quyết định có sự chênh lệch, đồng thời không tính mật độ xây dựng khi xác định giá đất để kết luận gây thất thoát là không có cơ sở.

Tại các dự án của Cty Phúc Thiên Long (khu đất gần sân bay Nước Mặn), Khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng); Khu A2, A3, đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc; Hai khu đất ký hiệu A4, A5 khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc giao cho Cty Phú Mỹ, Dự án Khu đô thị và sân Golf Đa Phước và dự án Tân Cường Thành, kết luận của TTCP cho rằng gây thất thoát lớn, TP Đà Nẵng cũng cho rằng không có cơ sở.

Trên thực tế, giá đất cụ thể được UBND thành phố xác định phù hợp với từng vị trí, địa điểm quy hoạch, điều kiện cơ sở hạ tầng, tính các hệ số theo quy định như: hệ số che khuất, hệ số ngã ba, ngã tư, hệ số ba mặt tiền trở lên…

Việc xác định giá các lô đất lớn phải tính đến mật độ xây dựng thường chỉ từ 60- 70% so với diện tích khu đất.

Đặc biệt, kết luận của TTCP cho rằng, khu đất 29 ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước giao cho Cty CP 79 thấp hơn giá TP quy định làm lợi cho Cty CP 79 trên 570 tỷ, TP Đà Nẵng khẳng định: Thực tế thành phố thu và hưởng lợi được là 1.075 tỷ đồng.

Vấn đề giảm 10% tiền sử dụng đất

Về vấn đề giảm 10% tiền SDĐ khi nộp đủ tiền SDĐ trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, TP Đà Nẵng cho rằng, đây là hình thức hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân giải tỏa nộp tiền vào ngân sách và hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư khi chuyển quyền SDĐ.

Mặt khác, hình thức trên sẽ huy động nhanh nguồn kinh phí vào ngân sách để tái đầu tư phát triển thay vì thành phố phải đi vay với mức lãi suất bình quân thấp nhất là 12%/năm.

Theo Chủ tịch Văn Hữu Chiến, đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100%, không phân chia tỷ lệ với ngân sách Trung ương và nguồn thu này chỉ được dùng để chi đầu tư phát triển. Vì vậy, theo Luật ngân sách thì địa phương có quyền quyết định giảm 10% tiền sử dụng đất, và đây là một trong những vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Đà Nẵng mang lại hiệu quả thiết thực, nguồn thu ngân sách tăng lên hằng năm.

Từ những giải thích trên, UBND TP Đà Nẵng cho rằng, TTCP kết luận gây thất thu ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng là không có cơ sở, thiếu tính thuyết phục.

Nam Cường

Xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2852/KL-TTCP ngày 2 -11 -2012 về Kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về Thanh tra, Khiếu nại, Tố cáo, Phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất; sau khi nghe ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra.

Ngày 19 – 11 - 2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1930/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này:

…Việc chấp hành pháp luật về Thanh tra, Khiếu nại, Tố cáo và Phòng, chống tham nhũng, việc quản lý và sử dụng đất có một số khuyết điểm, sai phạm.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; thu hồi triệt để về Ngân sách số tiền phải nộp.

Giao các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, thu chi tài chính và việc thực hiện dự án đầu tư liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua.

Giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật, …nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

BTV tổng hợp

Ông Nguyễn Bá Thanh: “Cần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương hơn nữa”

Ngày 8-1-2013, tại TP Đà Nẵng, làm việc với đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở” do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng ban dẫn đầu, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đề nghị cần phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương: “Nên có không gian để địa phương sáng tạo, chứ Trung ương bảo gì địa phương làm y chang như thế thì rất khó”.

Ông Thanh đơn cử việc Đà Nẵng giảm trừ 10% tiền SDĐ cho những ai nộp đủ tiền SDĐ trong vòng 60 ngày là cách để từ người dân giải toả đến doanh nghiệp và cả thành phố đều có lợi.

“Tiền này cũng chỉ được dùng để phát triển hạ tầng thôi, không được chi tiêu thường xuyên, có quy định rõ ràng. Đà Nẵng làm mười mấy năm ni. Thế là bị mấy ảnh quy cho cái tội là làm thất thoát 10%. Bọn tôi cãi. Cách làm của Đà Nẵng như thế là có lợi hơn nhiều chứ. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Bữa trước 2 chục tỷ làm được cái chung cư, bữa ni 35, 40 tỷ mới làm được cái chung cư, thế thì xem cái nào lợi hơn? Thẩm quyền của địa phương, chứ có phải của anh đâu mà mỗi cái tôi đều phải xin.

Thậm chí còn chưa nói đó là nghệ thuật của tôi nữa kia. Cái chỗ đó 4 đồng chẳng hạn, tôi đưa giá lên 5 đồng rồi miễn giảm cho anh 1 đồng là anh phấn khởi, nhưng mà thực tế hắn chừng đó thôi. Ví dụ như thế.

Đó là cách của người ta, ảnh can thiệp quá sâu. Nên phải có khoảng sáng tạo cho địa phương. Như bảng giá quy định ngày 1 tháng 1 hàng năm cứ bắt cả nước chịu 5-7 năm nay, cứ giữ y cứng ngắc như thế. Mà một năm họp HĐND có hai lần thôi, bây giờ giá thay đổi thường xuyên chứ, làm sao tháng nào như tháng nấy được.

Giá cả khác thì uỷ ban cũng phải quyết định khác chứ. Bữa nay trung ương kết luận rồi, đưa ra Quốc hội sửa đổi Luật đất đai rồi. Nhưng Đà Nẵng làm trước rồi nên bị kiểm điểm. Nên cần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương hơn nữa”.

Theo ông Thanh, cần phải có những hội nghị, hội thảo tổng kết điển hình, rút kinh nghiệm, trao đổi tranh luận cho đến nơi đến chốn, đề dẫn cho rõ ràng xem biết đâu có những nơi làm đúng sai như thế nào cho rõ ra. Cái gì có lợi thì làm, nếu trái thì bỏ.

Trí Quân

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,330

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]